Giới thiệu chung

Huyện Tây Sơn nằm phía Tây Nam tỉnh Bình Định. Bắc giáp huyện Phù Cát, Nam giáp huyện Vân Canh, Tây giáp huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Đông giáp thị xã An Nhơn.

Tây Sơn xưa kia là vùng đất thuộc huyện Tượng Lâm, địa bàn cư trú của người Chăm, thuộc vương quốc Chămpa cổ. Năm 1471, nhà Lê lập phủ Hoài Nhân (tức Hoài Nhơn) gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Bình Khê thuộc huyện Tuy Viễn. Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhân thành phủ Qui Nhân (Qui Nhơn). Sau nhiều lần đổi tên, năm 1832 nhà Nguyễn đổi tên phủ Hoài Nhơn (cũng là phủ Qui Nhơn) thành tỉnh Bình Định. Qua các lần đổi tên này (phủ, dinh, trấn, tỉnh) Bình Khê vẫn thuộc huyện Tuy Viễn. Tháng 5 năm 1877, sau khi di dân khai phá, lập thêm 28 làng phía tây và đông sông Ba, Nhà Nguyễn thành lập ba tổng Thuận Đức, Tân Phong và An Khê thuộc Nha Kinh lý An Khê. Tháng 9 năm 1888, Nhà Nguyễn cắt 18 làng thuộc hai tổng Phú Phong và Mỹ Thuận (thuộc Tuy Viễn) nhập vào nha Kinh lý An Khê thành lập huyện Bình Khê gồm 3 tổng: Phú Phong, Mỹ Thuận, Vĩnh Thạnh. Khoảng năm 1937 lập tổng Trường Định. Từ đó Bình Khê có 4 tổng: Vĩnh Thạnh, Phú Phong, Trường Định và Thuận Truyền với 47 làng. Đầu năm 1946 do có sự điều chỉnh địa giới  giữa An Nhơn và Bình Khê nên có thêm 3 làng: Bính Đức, Mỹ Đức, Nhơn Thuận, tổng cộng Bình Khê có 50 làng.

Sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, tổng Phú Phong được gọi là tổng Tây Sơn, tổng Trường Định gọi là tổng Hương Sơn, tổng Thuận Truyền gọi là tổng Võ Cự Công, tổng Vĩnh Thạnh giữ nguyên tên. Cuối năm 1945, bỏ cấp tổng, thành lập cấp

Tháng 3 năm 1946, Bình Định nhập xã lần thứ nhất. Huyện Bình Khê từ 50 làng hợp thành 21 xã.

Tháng 4 năm 1947, Bình Định lập 4 huyện miền núi: An Lão, Kim Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Đầu năm 1948, Bình Khê nhập xã lần thứ hai, còn 10 xã.

Từ cuối năm 1955 đến đầu 1958, ngụy quyền Sài Gòn lập Nha hành chính ở các huyện miền núi, đổi tên xã Bình Quang (nguyên thuộc huyện Bình Khê) thành xã Vĩnh Quang nhập vào Nha Vĩnh Thạnh; tháng 5 năm 1958 cải biến nha hành chính Vĩnh Thạnh thành quận Vĩnh Thạnh.

Tháng 7 năm 1963, ngụy quyền Sài Gòn lập xã Phùng Thiện thuộc quận Vĩnh Thạnh gồm các thôn Tiên Thuận, Thượng Sơn (nguyên thuộc xã Bình Giang, quận Bình Khê), một phần xã Vĩnh An (thuộc quận Vĩnh Thạnh), 2 thôn Định Quang, Định Bình (thuộc xã Vĩnh Quang, quận Vĩnh Thạnh), phần còn lại của xã Vĩnh An nhập vào xã Bình Giang (thuộc Bình Khê); xã Vĩnh Bình (nguyên thuộc quận Vĩnh Thạnh) nhập vào xã Bình Tường (thuộc quận Bình Khê).

Từ tháng 4 năm 1965 đến tháng 6 năm 1970, ngụy quyền Sài Gòn cải biến quận Vĩnh Thạnh thành cơ sở phái viên hành chính Vĩnh Thạnh trực thuộc quận Bình Khê, rồi bãi bỏ, lại tái lập rồi bãi bỏ cơ sở phái viên hành chính, đặt các xã của huyện Vĩnh Thạnh trực thuộc huyện Bình Khê.

Sau ngày thống nhất đất nước, quận đổi thành huyện. Tháng 11 năm 1975, Bình Khê và Vĩnh Thạnh hợp nhất thành huyện Tây Sơn. Tháng 8 năm 1981, huyện Vĩnh Thạnh tách khỏi Tây Sơn. Tháng 2 năm 1986 chia xã Bình Hiệp thành hai xã Bình Tân và Bình Thuận. Tháng 8 năm 1987, chia xã Bình An thành 3 xã: Tây Bình, Tây Vinh, Tây An; xã Bình Phú thành 2 xã: Tây Phú và Tây Xuân; xã Bình Giang thành 2 xã: Tây Thuận, Tây Giang. Hiện nay, Tây Sơn có 14 xã và một thị trấn, huyện lỵ đặt tại thị trấn Phú Phong.

Với diện tích tự nhiên 692,96 km2, Tây Sơn có địa hình khá hiểm trở, dãy núi Kình Sơn gồm các ngọn Kiền Kiền, Bạch Thạch, Càn Dương, Ca Ca, Trà Ly, Hắc Sơn …cao hơn 400m cùng với các ngọn Hội Sơn, Độc Nhũ, Lỗ Tây…hình thành một bức tường tự nhiên từ Đông Bắc đến Tây Nam, tạo cho Tây Sơn có vị trí chiến lược khá quan trọng, là cửa ngõ nối liền đồng bằng ven biển miền Trung với Tây Nguyên trù phú bằng con đường độc đạo từ Qui Nhơn lên.

Về giao thông, trước đây chủ yếu dựa vào sông Kôn và con đường chạy ven sông về Phủ cũ (Bình Định). Sông Kôn chia Tây Sơn thành hai mảng: phía Bắc và phía Nam, vừa là nguồn thủy lợi, vừa là mạch máu giao thông quan trọng; cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp trước đây ở An Vinh, Kiên Mỹ, Phú Phong thuận lợi giao lưu với các vùng. Bến Cây me (Kiên Mỹ), còn gọi là bến Trường Trầu, thời cụ thân sinh ba anh em Tây Sơn là nơi giao lưu buôn bán nhộn nhịp giữa miền xuôi và miền ngược. Sông Kôn còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử trong thời kỳ kháng chiến, vận chuyển lương thực, vũ khí, bộ đội lên chiến trường Tây Nguyên.

Trong những năm 1923-1925, để phục vụ cho mục đích quân sự và khai thác tài nguyên của các tỉnh Tây nguyên, thực dân Pháp đã xây dựng đường 19 nối liền cảng Qui Nhơn với Tây nguyên dài trên 200km xuyên qua Tây Sơn. Thời Mỹ - ngụy đường  19 được mở rộng nâng cấp và được xem là một trong những con đường chiến lược quan trọng nhất ở Miền Nam. Ngoài ra để phục vụ cho việc giao lưu, nhân dân địa phương đã xây dựng các con đường đất nối liền các làng với Phú Phong như: Gò Găng - Kiên Mỹ, Cây Dừa - Phú Phong.

Với địa thế như trên, trải qua các thời kỳ kháng chiến Tây Sơn được xem là địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Bình Định.

Cuộc đổi đời lịch sử sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đã tạo cho nhân dân Tây Sơn cũng như đồng bào trong tỉnh và cả nước một động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tinh thần phấn khởi và khí thế cách mạng của người làm chủ đất nước.

Là một huyện vừa là hậu phương, vừa là tiến tuyến, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tây Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, động viên nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến, đồng thời sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ quê hương.

Ngày 31.3.1975 được ghi vào lịch sử Tây Sơn là ngày giải phòng hoàn toàn huyện nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Sau khi giải phóng huyện nhà; quân dân Tây Sơn cùng quân dân trong tỉnh đã tích cực góp phần phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Đối với Đảng bộ và nhân dân Tây Sơn, hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ đầy gian khổ, hy sinh và ác liệt nhất từ trước đến nay, đồng thời đây cũng là giai đoạn thu nhiều thắng lợi vẻ vang.

Từ chiến tranh một phía với chính sách phát xít “tố cộng, diệt cộng” cực kỳ tàn bạo, chiến tranh đặc biệt với “quốc sách ấp chiến lược đạp lên oán hờn”, đến chiến tranh cục bộ, nấc thang cao nhất của Mỹ và Việt Nam hóa chiến tranh, bất chấp đầu rơi máu chảy, mưa bom bão đạn, ở đâu, lúc nào, nhân dân Tây Sơn cũng kiên cường bám trụ, hết lòng cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ lực lượng Cách mạng và hăng hái tham gia các phong trào do Đảng chủ trương và lãnh đạo. Sôi động nhất, quyết liệt nhất là các phong trào đấu tranh đòi hiệp thương, tổng tuyển cử, chống “tố cộng”; phong trào tấn công và nổi dậy diệt ác, phá kèm, đốt phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ từng phần; cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân 1968, các cao trào tranh thủ thời cơ, giải phóng đại bộ phận nông thôn, đồng bằng, tiến lên giải phóng toàn huyện.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua hơn hai mươi năm lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ Tây Sơn được tôi luyện và ngày càng trưởng thành. Từ việc vận dụng đường lối cách mạng bạo lực, phương châm đấu tranh hai chân, ba mũi giáp công trên khắp cả ba vùng chiến lược, về tư tưởng cách mạng tiến công, liên tục tấn công và nổi dậy, nổi dậy và tấn công đánh đổ địch từng bước, giành thắng lợi từng phần tiến tới, tạo thế, tạo lực, đón thời cơ tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn v.v… Đảng bộ Tây Sơn đã quán triệt sâu sắc tư tưởng cách mạng tấn công và phương châm lấy dân làm gốc.

Qua các phong trào cách mạng của nhân dân, Đảng bộ ngày càng phát triển, chất lượng đảng viên ngày càng nâng cao, Đảng bộ với nhân dân gắn bó nhau như cá với nước. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp cho Đảng bộ vững vàng hơn trong công cuộc lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới.

Trong hai cuộc kháng chiến, huyện Tây Sơn đã được Nhà nước phong tặng 2.180 Huân, Huy chương các loại. Trong đó:Huân chương độc lập: Hạng nhất: 01, Hạng nhì: 09, Hạng ba: 16; Huân chương kháng chiến: Hạng nhất: 483, Hạng nhì: 333, Hạng ba: 382; Huychương kháng chiến:Hạng nhất: 476, Hạng nhì: 525, 86 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh hùng lực lượng vũ trang: Võ Lai, Nguyễn Thị Hồng Bông.

Huyện Tây Sơn và 14 xã, thị trấn (Bình Thuận, Tây Giang, Vĩnh An, Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Thành, Bình Hòa, Bình Tân, Bình Thuận, Tây An, Tây Bình, Tây Vinh và thị trấn Phú Phong) được Nhà nước phong tặng danh hiệu:   Anh hùng lực lượng vũ trang./.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây