QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc. Phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn mới. Ở Bình Định, tháng 3/1930, chi bộ Đảng Nhà máy đèn Qui Nhơn, sau đó chi bộ Cửu Lợi (Tam Quan, Hoài Nhơn), Chi bộ trường Quốc học Qui Nhơn lần lượt ra đời. Các tổ chức Đảng đã tích cực hoạt động, gây ảnh hưởng nhiều nơi, nhất là trong tầng lớp nhân dân lao động và công nhân. Chi bộ Nhà đèn đã phân công đảng viên lên Phú Phong, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) để xây dựng cơ sở, tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và nhân dân Bình Khê.
Ngày 20/10/1936, tại Núi Chùa (trên đỉnh đồi Đại An, xã Nhơn Mỹ - An Nhơn) đảng viên của 2 huyện An Nhơn và Bình Khê tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng mang tên Hồng Lĩnh. Đầu năm 1937, Chi bộ Hồng Lĩnh đã được Xứ ủy Trung kỳ thừa nhận và chỉ thị cho hoạt động. Đến cuối năm 1937, theo chủ trương của trên, số đảng viên Bình Khê được tách khỏi Chi bộ Hồng Lĩnh thành lập chi bộ mới độc lập có 13 đảng viên nhằm mở rộng hoạt động cách mạng ở Bình Khê, nhất là các xã phía Đông Bắc như Bình Nghi, Bình An, Bình Hòa.
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương nhanh chóng phát xít hóa bộ máy cai trị. Ở Bình Định, cuối năm 1939, bọn tay sai tiến hành khủng bố ác liệt phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hầu hết các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đều bị tan vỡ. Các đảng viên đều bị bắt, bị khủng bố, mất liên lạc. Phong trào cách mạng Bình Khê tạm thời lắng xuống, Tổ chức đảng chưa được khôi phục.
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc. Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật đã làm đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ở Bình Khê, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên vừa thoát khỏi nhà lao đế quốc cùng các nhà nho yêu nước, trí thức tiến bộ đã hoạt động tích cực, vạch trần âm mưu bọn tay sai thân Nhật, tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở, thức tỉnh công nhân hãng dệt Delignon. Phong trào cách mạng Bình Khê bắt đầu hồi phục.
Ngày 13/8/1945 được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc và quyết định: “Lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa để giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn tay sai bù nhìn” trước khi Đồng Minh vào Việt Nam. Tại Bình Khê, vào những ngày đầu tháng 8/1945 không khí cách mạng đã thực sự trở nên khẩn trương. Bộ máy chính quyền tay sai từ huyện đến các tổng, làng… bắt đầu hoang mang, dao động, tìm chỗ nương thân. Sáng ngày 24/8/1945, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên và Việt Minh Phú Phong, Công nhân nhà máy dệt Delignon, nhân dân các làng Kiên Mỹ, Phú Phong, Phú Mỹ, Trinh Tường, Thủ Thiện... đã tổ chức đội ngũ kéo về Phú Phong, phối hợp với lực lượng công nhân nhà máy dệt Delignon thành đoàn biểu tình lớn gần một ngàn người, có băng ron, cờ, khẩu hiệu và trung đội tự vệ vũ trang đi đầu tiến về huyện lỵ. Tại đây, tên tri huyện cùng bộ hạ cúi đầu xin chấp nhận bàn giao chính quyền cho cách mạng.
Thắng lợi ngày 24/8/1945 đã thực sự trở thành ngày hội lớn của nhân dân Bình Khê hòa cùng ngày hội chung của đất nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng địa phương và yêu cầu của nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc đòi hỏi phải sớm thành lập lại chi bộ Đảng, tiến tới thành lập Đảng bộ huyện để trực tiếp lãnh đạo phong trào.
Tháng 3/1946 đồng chí Trần Tề, Tỉnh ủy viên được Thường vụ Tỉnh ủy phân công về Bình Khê xúc tiến việc thành lập Ban vận động xây dựng Đảng của huyện (gồm 3 đồng chí: Trần Tề, Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân Ký) làm nhiệm vụ phát triển đảng viên và thành lập lại chi bộ đảng. Cuối tháng 5/1946, Ban vận động tiến hành một đợt kết nạp đảng viên. Đối tượng là các đồng chí hăng hái tham gia Cách mạng Tháng Tám đang công tác ở các cơ quan Việt Minh huyện và các xã có phong trào quần chúng mạnh. Ngày 30/5/1946, Chi bộ Đảng của cơ quan Việt Minh huyện thành lập gồm 3 đồng chí (Huỳnh Trịnh, Phan Đào, Nguyễn Đôn) đồng chí Huỳnh Trịnh làm Bí thư.
Tháng 6/1946, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định chuyển Ban vận động xây dựng Đảng thành Huyện ủy lâm thời gồm 3 đồng chí: Trần Tề, Nguyễn Xuân Ký, Huỳnh Trịnh. Đồng chí Trần Tề là Bí thư Huyện ủy đầu tiên. Đây được xác định là mốc thời gian thành lập Đảng bộ huyện. Sau khi thành lập Đảng bộ huyện, công tác phát triển đảng viên, hình thành các chi bộ cơ sở được đặt lên hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.
* Ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng bộ huyện
Sự ra đời của Huyện ủy lâm thời Bình Khê (nay là Đảng bộ huyện Tây Sơn) là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng huyện Tây Sơn, quyết định sự phát triển của địa phương, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước trên quê hương Tây Sơn, chứng minh sự lớn mạnh của phong trào cách mạng địa phương và yêu cầu của nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Đây là kết quả của phong trào cách mạng ở địa phương, được nuôi dưỡng, hun đúc thành ý chí và nguyện vọng cháy bỏng của những cán bộ tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của huyện Tây Sơn.
Sự ra đời của Huyện ủy lâm thời đầu tiên có ý nghĩa to lớn trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển của Đảng bộ Bình Khê, là niềm tự hào về sự hy sinh công sức, sự dũng cảm, kiên cường về ý chí và hành động của lớp cán bộ, đảng viên đi trước đã để lại cho cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau những bài học quý giá về đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội trên quê hương Tây Sơn anh hùng.
* Quá trình phát triển
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã trải qua 21 kỳ Đại hội
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã tổ chức bốn lần Đại hội. Đại hội lần thứ I vào tháng 12/1946 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành. Đại hội lần thứ II vào tháng 10/1947 tại thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành. Đại hội lần thứ III vào tháng 8/1948 tại thôn An Chánh xã Bình An. Đại hội lần thứ IV vào tháng 7/1950 tại thôn Mỹ Thuận, xã Bình An.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã tổ chức 5 lần đại hội. Đại hội lần thứ V vào tháng 8/1961 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ VI vào tháng 8/1964 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ VII vào tháng 8/1968 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ VIII từ ngày 22 đến ngày 27/7/1971 tại xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ IX từ ngày 10 đến ngày 13/5/1973 tại xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh.
Từ 1975 đến nay, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã tổ chức 12 kỳ đại hội và đều tổ chức taih Thị trấn Phú Phong. Đại hội lần thứ X từ ngày 25 đến 28/02/1977. Đại hội lần thứ XI từ ngày 11 đến ngày 14/6/1979. Đại hội lần thứ XII diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/10/1982. Đại hội lần thứ XIII từ ngày 17 đến ngày 22/9/1986. Đại hội lần thứ XIV từ ngày 21 đến ngày 23/3/1989. Đại hội hội lần thứ XV từ ngày 08 đến ngày 09/10/1991. Đại hội lần thứ XVI từ ngày 27 đến ngày 29/3/1996. Đại hội lần thứ XVII từ ngày 12 đến ngày 13/12/2000. Đại hội lần thứ XVIII từ ngày 17 đến ngày 19/10/2005. Đại hội lần thứ XIX từ ngày 24/8/2010 đến ngày 26/8/2010. Đại hội lần thứ XX từ ngày 11/8/2015 đến ngày 13/8.2015. Đại hội lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong hai ngày 5- 6/8/2020.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Tây Sơn đã cùng nhân dân cả nước đấu tranh kiên cường, bất khuất để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, viết nên những trang sử truyền thống anh hùng. Từ khi có Đảng bộ huyện lãnh đạo, sức mạnh truyền thống cao đẹp của nhân dân Tây Sơn được nâng lên gấp bội. Huyện Tây Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, nằm ở vị trí cửa ngõ đi Tây Nguyên, trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, gần sân bay, cảng biển và các đô thị động lực cửa tỉnh; là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn, có nhiều điểm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và danh thắng; Tây Sơn có nguồn lực đất đai phong phú, hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, hệ thống giao thông từng bước được đầu tư nâng cấp… thuận lợi cho huyện thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ cả về du lịch, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Trong 02 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới. Đặc biệt, huyện đã phối hợp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện dịch bệnh.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, đặc biệt là hai nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2023 và xây dựng huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV để thành lập thị xã Tây Sơn vào năm 2025; Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bốn trụ cột và ba khâu đột phá theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh "xác định 03 khâu đột phá chính là đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Dựa trên các “trụ cột” chính là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào CCN. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ dựa trên lợi thế các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dựa vào các sản phẩm có thế mạnh như rau an toàn VietGAP Thuận Nghĩa, bò thịt chất lượng cao, gà thả đồi, đậu phụng,…"
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới đã thu được những thắng lợi quan trọng, đến nay đã có 12/13 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường đầu tư. Nhờ tích cực huy động các nguồn lực, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: Chỉnh trang khu sinh thái Bàu Bà Lặn, khu dân cư Soi Khánh - Soi Cát, khu dân cư phía Bắc đường Nguyễn Thiện Thuật, khu dân cư Đồng Cây Keo... trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị Phú Phong, Tây Giang và các vùng phụ cận…. Các công trình lịch sử, văn hóa, du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp như: Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ thân phụ thân mẫu Tây Sơn Tam kiệt, Khu chứng tích Gò dài, Đài tưởng niệm Liệt sĩ Thuận Ninh; nâng cấp đường vào các lò võ Hồ Sừng, Phan Thọ; tiến hành lập quy hoạch xây dựng các khu trang trại kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Tây Phú, từ Đài Kính Thiên đến xã Vĩnh An; có 21 di tích và thắng cảnh trên địa bàn được công nhận di tích lịch sử văn hóa, trong đó 11 di tích cấp quốc gia,10 di tích cấp tỉnh; Khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt và Tháp Chăm Dương Long được công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia....
Trong giai đoạn 2016 - 2021 huyện Tây Sơn đã bố trí vốn và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trên 1.157,4 tỷ đồng để thực hiện 189 công trình, dự án. Trong đó có 29 công trình giao thông, 12 công trình thủy lợi, 35 công trình dân dụng, 3 công trình y tế, 57 công trình trường học, 2 công trình nước sạch, 29 công trình quy hoạch và 22 công trình khác. Đã kêu gọi thu hút đầu tư 63 dự án, với tổng mức đầu tư trên 5.898 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động, hiện đã có một số dự án hoàn thành đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy may công nghiệp Able Tây Sơn, dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC, dự án Trung tâm Thương mại Tây Sơn, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH An Minh Huy, Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản của Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát,... . Đến nay, toàn huyện có 1.880 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động. Trong đó, các cụm công nghiệp có 139 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Nét nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện trong những năm gần đây là tiến trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh; không gian đô thị từng bước được mở rộng. Trung tâm thị trấn Phú Phong, các thị tứ ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; thị trấn Phú Phong đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, thị tứ Đồng Phó đạt đô thị loại V.
Có thể tự hào khẳng định rằng: trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, những thành quả huyện nhà đã giành được là hết sức quan trọng, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no. Thương mại - Du lịch - Dịch vụ từng bước được hoàn thành hứa hẹn sự bức phá mạnh mẽ trong tương lai. Cơ sở vật chất cùng các dịch vụ phục vụ sản xuất và dân sinh được chăm lo đầu tư, góp phần nâng cao cuộc sống người dân. Tất cả những đổi thay ấy gắn liền với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Ngày 10/02/2015, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba cho Nhân dân và cán bộ huyện Tây Sơn vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quí, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với huyện nhà trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.
Với niềm tự hào quá khứ vẻ vang của dân tộc và tương lai của đất nước, cán bộ và nhân dân Tây Sơn nguyện tiếp bước cha anh, giữ vững niềm tin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chung sức, đồng lòng vững bước tiến lên, phấn đấu xây dựng quê hương Tây Sơn ngày càng giàu đẹp.
* Các kỳ Đại hội và Ban Chấp hành qua các thời kỳ
GIAI ĐOẠN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã tổ chức bốn lần Đại hội. Đại hội lần thứ I vào tháng 12 năm 1946 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành. Đại hội lần thứ II vào tháng 10 năm 1947 tại thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành. Đại hội lần thứ III vào tháng 8.1948 tại thôn An Chánh xã Bình An. Đại hội lần thứ IV vào tháng 7 năm 1950 tại thôn Mỹ Thuận, xã Bình An.
1. Đại hội lần thứ nhất
Tháng 12/1946, Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ huyện Bình Khê được tổ chức tại thôn Phú Lạc xã Bình Thành. Đại hội đã thảo luận đề ra nhiệm vụ "Phát động toàn dân kháng chiến; phát triển kinh tế-văn hóa, ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh, phục vụ tiền tuyến; đẩy mạnh công tác bố phòng, phá hoại, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, xây dựng tuyến phòng thủ Tam Bình; phát triển dân quân du kích, tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu". Đại hội đã bầu Huyện ủy chính thức gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký được bầu làm Bí thư. Năm 1947, Đảng bộ huyện phát triển thêm 6 chi bộ với 25 đảng viên. Đến tháng 6 năm 1947 hầu hết các xã trong huyện đều có chi bộ Đảng, toàn huyện có hơn 100 đảng viên.
2. Đại hội lần thứ hai
Tháng 10/1947, Đại hội lần thứ hai Đảng bộ huyện Bình Khê được tổ chức tại thôn Kiên Mỹ xã Bình Thành. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ gần một năm qua và quyết định nhiệm vụ "xây dựng hậu phương, phục vụ tiền tuyến và công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng...".
Đại hội đã bầu huyện ủy khóa mới gồm 9 đồng chí; đồng chí Nguyễn Xuân Ký được bầu lại làm Bí thư. Đến giữa năm 1948, số tổ chức Đảng cơ sở tăng lên 16 đơn vị, số lượng đảng viên tăng lên hơn 300 đồng chí.
3. Đại hội lần thứ ba
Tháng 8/1948, Đại hội lần thứ ba Đảng bộ huyện Bình Khê được tổ chức tại thôn An Chánh xã Bình An (nay là thôn An Chánh, xã Tây Bình). Đại hội đề ra các nhiệm vụ cụ thể về "tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công: Chuẩn bị nhân tài, vật lực đáp ứng nhu cầu phục vụ tiền tuyến, củng cố phát triển, nâng cao chất lượng chiến đấu của dân quân du kích và bộ đội địa phương huyện, tăng cường xây dựng làng chiến đấu, củng cố vững chắc tuyến phòng thủ Tam Bình; kiện toàn đại đội dân công hỏa tuyến, Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng đáp ứng yêu cầu phục vụ kháng chiến...".
Đại hội đã bầu Huyện ủy khóa III gồm 11 ủy viên chính thức; đồng chí Huỳnh Trịnh được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Từ sau Đại hội lần thứ 3 đến năm 1950 là thời ký phát triển ồ ạt "thi đua phát triển Đảng". Đến giữa năm 1950, toàn huyện có 20 tổ chức cơ sở Đảng và gần 5000 đảng viên.
4. Đại hội lần thứ tư
Tháng 7/1950, Đảng bộ huyện Bình Khê tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ tư tại thôn Mỹ Thuận xã Bình An (nay là thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình). Dự Đại hội có 100 đại biểu chính thức thay mặt cho gần 5000 đảng viên. Đại hội xác định phươn hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công: "Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện; huy động sức người, sức của đáp ứng yêu cầu phục vụ tiền tuyến, phát triển, nâng cao chất lượng, tổ chức huấn luyện các lực lượng vũ trang đủ sức đảm đương nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, tăng cướng công tác bố phòng, rào làng chiến đấu, phòng gian bảo mật, kiện toàn các cơ quan phục vụ kháng chiến".
Đại hội cũng thảo luận các biện pháp củng cố, chỉnh đốn Đảng theo chỉ thị của Trung ương. Đại hội đã bầu Huyện ủy khóa IV gồm 13 đồng chí; đồng chí Trần Đình được bầu làm Bí thư. Năm 1952, đồng chí Trần Đình chuyển sang công tác khác, đồng chí Nguyễn Khắc Nương, Tỉnh ủy viên được điều về làm Bí thư Huyện ủy đến năm 1954. Thực hiện chủ trương của trên, những năm 1952 - 1953, Đảng bộ Huyện đã tiến hành nhiều đợt chỉnh huấn chính trị, ra sức củng cố Đảng; hàng trăm đảng viên vi phạm, pần tử cơ hội, mất phẩm chất, quần chúng không tín nhiệm ... lần lượt ra khỏi đảng; một số cán bộ lãnh đạo của Ủy ban kháng chiến hành chính huyện (Chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 2 ủy viên) đã bị cách chức và đưa ra khỏi Đảng vì tội tham ô thóc thuế nông nghiệp.
Là một huyện vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bình Khê đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, động viên nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến, đồng thời sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ quê hương. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Những năm 1955 - 1958 là thời kỳ tổ chức Đảng và phong trào quần chúng ở Bình Khê bị khủng bố tàn khốc và chìm trong đêm tối. Trước sự bể vỡ của phong trào, cơ quan lãnh đạo đầu não là Huyện ủy không còn, khoảng tháng 10/1955, Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí Huỳnh Trịnh - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh về làm Bí thư Huyện ủy Bình Khê.
GIAI ĐOẠN KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã tổ chức 5 lần đại hội. Đại hội lần thứ V vào tháng 8 năm 1961 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ VI vào tháng 8 năm 1964 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ VII vào tháng 8 năm 1968 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ VIII từ ngày 22 đến ngày 27.7.1971 tại xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội lần thứ IX từ ngày 10 đến ngày 13.5.1973 tại xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh.
5. Đại hội lần thứ năm
Tháng 8/1961, theo Chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy Bình Khê quyết định triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ năm. Đại hội được tổ chức tại Đầm Nước Đun, làng Nước Địa xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Với phương châm và khẩu hiệu hành động là "làm chủ núi rừng, giành lại nông thôn đồng bằng, mở phong trào thị trấn"; Đại hội đã đề ra nhiệm vụ "Liên tục mở các đợt vũ trang tuyên truyền, kết hợp diệt ác trừ gian, phát động quần chúng vùng lên phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ từng phần ở các cơ sở. Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hình thành các tổ chức Đảng ở cơ sở; thu hẹp vùng trắng cơ sở cách mạng; khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang của huyện và các đội vũ trang công tác xã, phát triển mạnh các cơ sở hợp pháp bám rễ trong dân. Đại hội đã bầu Huyện ủy mới gồm 5 đồng chí; đồng chí Song Thanh được bầu làm Bí thư.
6. Đại hội lần thứ sáu
Tháng 8/1964, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ sáu được tổ chức tại Đầm Kiếm, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội đã ra Nghị quyết hạ quyết tâm: "Đầu Xuân năm 1965, lãnh đạo toàn dân nổi dậy phá banh toàn bộ các ấp chiến lược còn lại của các xã Bình An, Bình Hòa, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận và phá một số ấp của các xã phía Nam huyện. Đại hội đã bầu Huyện ủy khóa VI gồm 9 đồng chí; đồng chí Lê Bình (Phan Thỉnh) được bầu làm Bí thư.
7. Đại hội lần thứ bảy
Tháng 8/1968, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ bảy được tổ chức tại Đầm Bá Kim, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ: "Quyết tâm lãnh đạo giữ thế chủ động chiến trường; khẩn trương xây dựng và phát triển thực lực chính trị, vũ trang, kiên trì bám dân, bám đất, bám phong trào, nhạy bén tạo ra và kịp thời đón lấy thời cơ dấy lên cao trào giành dân, làm chủ mạnh mẽ". Đại hội bầu Huyện ủy khóa VII gồm 17 đồng chí, Ủy viên Ban Thường vụ 5 đồng chí; đồng chí Kim Anh được bầu làm Bí thư.
8. Đại hội lần thứ tám
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ tám được tổ chức từ ngày 22/7 đến 27/7/1971 tại hội trường Trường Tuyên huấn ở Đầm Ông Khương, Thuận Ninh. Đại hội đã ra Nghị quyết với quyết tâm "Tranh thủ thời cơ, dấy lên mạnh mẽ cao trào tấn công và nổi dạy bằng 3 mũi giáp công tiêu diệt, tiêu hao nặng sinh lực địch, mở ra, giải phóng từng mảng liên hoàn; đẩy mạnh phong trào thị trấn; tăng cường xây dựng phát triển thực lực, tiến lên giải phóng toàn huyện". Đại hội đã bầu Huyện ủy khóa mới gồm 19 đồng chí(có 2 dự khuyết); đồng chí Lê Văn Đấu được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
9. Đại hội lần thứ chín
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ chín được tổ chức từ ngày 10/5 đến 13/5/1973 tại thôn Vĩnh Thạnh xã Bình Quang. Đại hội đã ra Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh một số nhiệm vụ "Phát huy thắng lợi, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, kiến quyết đánh bại âm mưu địch phá hoại Hiệp định Paris lấn chiếm vùng giải phóng, bẻ gãy các cuộc càn quét nống lẫn của địch. Từng bước giành chính quyền làm chủ ở vùng địch kiểm soát, khẩn trương kéo dân về vùng ta. Nhanh chóng xây dựng vùng giải phóng toàn diện, vững chắc theo kế hoạch kinh tế - xã hội ba năm (1973-1975). Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng và phát triển thực lực chính trị, vũ trang, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chớp lấy thười cơ thuận lợi giải phóng toàn huyện. Đại hội đẫ bầu Huyện ủy khóa IX gồm 21 đồng chí (có 2 ủy viên dự khuyết), đồng chí Lê Văn Đấu được bầu lại làm Bí thư. Sau đó đồng chí Lê Văn Đấu được điều về tỉnh nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Trần Hồng Diệp làm Bí thư Huyện ủy. Tháng 8/1975 đồng chí Trần Hồng Diệp đi học, đồng chí Trần Song Thanh, Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy điều động làm Bí thư Huyện ủy Bình Khê. Đến cuối tháng 10/1975, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Khê có 17 ủy viên; Đảng bộ huyện có 401 đảng viên sinh hoạt ở 20 chi bộ đảng trực thuộc (trong đó có 10 chi bộ xã, 10 chi bộ cơ quan).
Ngày 31.3.1975 được ghi vào lịch sử Bình Khê là ngày giải phóng hoàn toàn huyện nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Sự kiện quan trọng này đánh dấu mốc son lịch sử vẻ vang của huyện, bước vào giai đoạn lịch sử mới, nhân dân được sống trong hòa bình, độc lập và tự do, tập trung sức người, sức của, khắc phục hậu quả chiến tranh để xây sựng quê hương, đất nước.Tổng kết cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho cán bộ và lực lượng vũ trang huyện Tây Sơn, cán bộ và chiến sỹ an ninh nhân dân huyện,14/15 xã, thị trấn được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang, 03 anh hùng lực lượng vũ trang, 02 dũng sỹ diệt Mỹ, có 209 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.735 liệt sỹ, trên 1.200 thương binh, 2180 huân, huy chương các loại.
Tháng 11/1975, huyện Bình Khê và huyện Vĩnh Thạnh hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là huyện Tây Sơn. Đảng bộ huyện Tây Sơn được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Đảng bộ: Bình Khê và Vĩnh Thạnh.Trong điều kiện chưa tổ chức ngay Đại hội để bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tây Sơn lâm thời gồm 36 ủy viên, Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên. Đồng chí Trần Song Thanh, Tỉnh ủy viên được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy.
GIAI ĐOẠN SAU CHIẾN TRANH
Lịch sử Đảng bộ huyện Tây Sơn trong những chặng đường cách mạng không những là quá trình xây dựng, không ngừng trưởng thành mà còn phát triển về tổ chức của Đảng bộ. Từ 1975 đến nay, Đảng bộ huyện Tây Sơn đã tổ chức 12 kỳ đại hội và đều tổ chức taih Thị trấn Phú Phong. Đại hội lần thứ X từ ngày 25 đến 28/02/1977. Đại hội lần thứ XI từ ngày 11 đến ngày 14/6/1979. Đại hội lần thứ XII diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/10/1982. Đại hội lần thứ XIII từ ngày 17 đến ngày 22/9/1986. Đại hội lần thứ XIV từ ngày 21 đến ngày 23/3/1989. Đại hội hội lần thứ XV từ ngày 08 đến ngày 09/10/1991. Đại hội lần thứ XVI từ ngày 27 đến ngày 29/3/1996. Đại hội lần thứ XVII từ ngày 12 đến ngày 13/12/2000. Đại hội lần thứ XVIII từ ngày 17 đến ngày 19/10/2005. Đại hội lần thứ XIX từ ngày 24/8/2010 đến ngày 26/8/2010. Đại hội lần thứ XX từ ngày 11/8/2015 đến ngày 13/8.2015. Đại hội lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong hai ngày 5- 6/8/2020.
10. Đại hội lần thứ mười
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy Bình Định, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ mười nhiệm kỳ 1977 - 1979 được tiến hành qua hai vòng. Vòng 1 diễn ra từ ngày 24-29/10/1976 tại Phú Phong, xã Bình Phú (nay là thị trấn Phú Phong); Vòng 2 diễn ra từ ngày 25 - 28/02/1977 cũng tại Phú Phong, xã Bình Phú (nay là thị trấn Phú Phong). Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu chung là: "Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tăng cường đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động và sáng tạo. Ra sức thiết lập và tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, kết hợp chặt chẽ giữ xây dựng và cải tạo, nhanh chóng khắc phục nhược điểm và khó khăn, phát huy mọi thuận lợi, tận dụng mọi khả năng vốn có của địa phương, đặc biệt coi trọng phát huy các ưu thế của nghề nông, nghề rừng, ngành nghề truyền thống và khả năng lao động trong huyện. Tập trung mọi nỗ lực nhằm thực hiện hai mục tiêu vừ cơ bản, vừa cấp bách là cải thiện cơ bản một bước đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân và xây dựng một bước cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, tăng cường an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 25 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 07 ủy viên; đồng chí Trần Song Thanh được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Tháng 7/1977, đồng chí Trần Song Thanh - Bí thư Huyện ủy đi học; đồng chí Trần Hồng Diệp - Tỉnh ủy viên làm Bí thư Huyện ủy.
11. Đại hội lần thứ mười một
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười một họp từ ngày 11 - 14/6/1979, tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung:"Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tập trung lực lượng lao động đẩy mạnh phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông phân phối, ra sức đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển tiêu thủ công nghiệp, mở rộng lưu thông phân phối, giao thông vận tải. Sử dụng tốt lao động xã hội, tổ chức sản xuất theo phương hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với quan hệ sản xuất cũ, xây dựng và mở rộng đi đôi với không ngừng củng cố quan hệ sản xuất mới". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 33 ủy viên (trong đó có 2 ủy viên dự khuyết); Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 13 ủy viên; đồng chí Trần Hồng Diệp - Tỉnh ủy viên được bầu làm Bí thư Huyện ủy
Thực hiện Quyết định số 41-QĐ/HĐBT, ngày 24/8/1981 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện trong tỉnh Nghĩa Bình, tró đó có huyện Tây Sơn. Huyện Tây Sơn được chia thành hai huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh; sau gần 6 năm hợp nhất, huyện Tây Sơn được tái lập. Ngày 15/12/1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 05-QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ huyện Tây Sơn, đồng thời chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 17 đồng chí; đồng chí Trần Hồng Diệp - Tỉnh ủy viên được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy
12. Đại hội lần thứ mười hai
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười hai tiến hành qua hai vòng. Vòng thứ nhất diễn ra trong 2 ngày 28-29/12/1981, tại thị trấn Phú Phong. Vòng thứ hai diễn ra trong 2 ngày 27-28/10/1982, tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 1983 - 1985; sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm; ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện; từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nông - công - lâm nghiệp hợp lý trên địa bàn...đề cao cảnh giác, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 29 ủy viên; Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 9 ủy viên; đồng chí Trần Hồng Diệp - Tỉnh ủy viên được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Tháng 12/1983, đồng chí Trần Hồng Diệp về tỉnh nhận công tác mới, đồng chí Trần Thiện Đức được Tỉnh ủy điều động về làm Bí thư Huyện ủy.
13. Đại hội lần thứ mười ba
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười ba diễn ra từ ngày 17 - 22/9/1986 tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu kinh tế xã hội của huyện trong 5 năm (1986-1990) là "Tập trung đồng bộ nhằm phát huy năng lực hiện có, khai thác mọi tiềm năng để đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng (lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu). Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm....Xây dựng lực lượng quân sự địa phương vững mạnh, chủ động sẵn sàng chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của địch. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với xây dựng chi, đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và đổi mới phong cách lnhx đạo, xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 40 ủy viên (trong đó có 7 đồng chí ủy viên dự khuyết); tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên; đồng chí Trần Thiện Đức được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
14. Đại hội lần thứ mười bốn
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười bốn diễn ra từ ngày 21 - 23/3/1989 tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là "Giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tiếp tục tập trung phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, lượng thực và thực phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tại chỗ của nhân dân trong huyện và xuất khẩu...nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 27 ủy viên; tại hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 7 ủy viên; đồng chí Trần Văn Mười - Tỉnh ủy viên được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
15. Đại hội lần thứ mười lăm
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười lăm tiến hành qua hai vòng. Vòng thứ nhất diễn ra trong 3 ngày từ 02-04/4/1991, tại thị trấn Phú Phong. Vòng thứ hai diễn ra trong 2 ngày 08-09/10/1991, tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong những năm 1992 - 1995 là "Phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, vượt qua khó khăn thử thách, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung sức phát triển nhanh nền kinh tế hàng hóa, trọng tâm là sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phát triển kinh tế, văn hóa, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Củng cố vứng chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi tiêu cực và bất công". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 29 ủy viên; tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 9 ủy viên; đồng chí Trần Văn Mười - Tỉnh ủy viên được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
16. Đại hội lần thứ mười sáu
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười sáu diễn ra từ ngày 27/3 đến 29/3/1996 tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là "Phát huy thành tích đạt được vừa qua, động viên toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện đồng tâm hợp lực cố gắng vượt qua khó khăn thử thách, phấn đấu khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, tài nguyên và nguồn lực của huyện theo cơ cấu kinh tế được xác định là Nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, Chuyển mạnh nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp một cách toàn diện, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp chế biến với nhịp độ cao, hiệu quả và vững chắc hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và được nâng lên một bước. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về mọi mặt, từng bước đưa huyện Tây Sơn trở thành một trong những huyện có trình độ phát triển ở mức khá của tỉnh". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 33 ủy viên; tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên; đồng chí Trần Văn Mười - Tỉnh ủy viên được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy.
17. Đại hội lần thứ mười bảy
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười bảy diễn ra trong hai ngày 12 - 13/12/2000 tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là "Tiếp tục huy động nội lực, khai thác tốt mọi tiềm năng; tạp trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện nông - lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc về lao động, việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tập trung củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 33 ủy viên; trong phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên; đồng chí Võ Công Đoàn - Tỉnh ủy viên được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Tháng 12/2001, đồng chí Võ Công Đoàn về tỉnh nhận công tác mới. Ngày 24/3/2002, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu đồng chí Huỳnh Văn Tân - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm Bí thư Huyện ủy.
18. Đại hội lần thứ mười tám
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ mười tám diễn ra từ ngày 17 - 19/10/2005 tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là "Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ tốt các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc dộ nhanh, hiệu quả và bền vững. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thóng chính trị trong sạch vững mạnh. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 33 ủy viên; tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên; đồng chí Huỳnh Văn Tân tiếp tục1 được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
19. Đại hội lần thứ mười chín
Đại hội đại biểu lần thứ mười chín Đảng bộ huyện Tây Sơn họp từ ngày 24/8/2010 đến ngày 26/8/2010. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung huy động các nguồn lực khai thác có hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn ngoại lực, chăm lo tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng huyện Tây Sơn phát triển toàn diện". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 ủy viên; tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 13 ủy viên; đồng chí Trương Thiên Thành - được bầu làm Bí thư Huyện ủy.
20. Đại hội lần thứ hai mươi
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ hai mươi diễn ra trong ba ngày từ ngày 11/8/2015 đến ngày 13/8/2015, tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ là "Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn ngoại lực, tăng trưởng kinh tế bền vững; giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phấn đấu xây dựng huyện Tây Sơn phát triển toàn diện". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 ủy viên; trong phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên; đồng chí Tạ Xuân Chánh - được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Tháng 9/2016, đồng chí Tạ Xuân Chánh về tỉnh nhận công tác mới; tháng 2/2017, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy được điều động về làm Bí thư Huyện ủy. Ngày 01/9/2019 đồng chí Huỳnh Thanh Xuân về tỉnh nhận công tác mới, đồng chí Lê Bình Thanh - Tỉnh ủy viên được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy.
21. Đại hội lần thứ hai mươi mốt
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XXI họp từ ngày 05 đến ngày 06/8/2020 tại thị trấn Phú Phong. Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mở rộng dân chủ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển; phấn đấu đến năm 2023 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; đến năm 2024 huyện đạt chuẩn đô thị loại IV và sớm đạt các tiêu chí thành lập thị xã". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 ủy viên; tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 ủy viên; đồng chí Lê Bình Thanh - Tỉnh ủy viên, tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy.