Ngày 06/02/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn đã ban hành Kế hoạch số 79-KH/HU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện nay có 31 tổ chức kinh tế tập thể trong đó có 26 hợp tác xã nông nghiệp; 01 hợp tác xã phi nông nghiệp và 04 quỹ tín dụng nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" thì huyện Tây Sơn cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp.
Trước năm 2018, huyện Tây Sơn có 30 Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN); thực hiện Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 14/12/2018 của UBND huyện về “Đổi mới, phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp huyện Tây Sơn giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” đến nay trên địa bàn huyện có 26 HTX nông nghiệp với 20.755 thành viên, số lao động thường xuyên 237 thành viên. Tổng tài sản của các HTX NN hiện nay là 54,798 tỉ đồng; vốn điều lệ 10,3 tỉ đồng; bình quân vốn điều lệ 396 triệu/HTX; bình quân mỗi thành viên (tư cách pháp nhân là hộ gia đình) có vốn góp 515.000 đồng; không có thành viên góp vốn trên 20% so với vốn điều lệ; tất cả thành viên điều có góp vốn HTX. Gần 100% thành viên sử dụng ít nhất 02 dịch vụ của HTX (chủ yếu dịch vụ thủy lợi, làm đất, thu gom rác thải).
Năm 2022, số lượng HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực lúa giống, lúa thương phẩm; có 01 hợp tác xã được công nhận OCOP 3 sao (HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa). Một số HTX đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, tiếp nhận sự hỗ trợ của các chương trình/dự án phát triển các dịch vụ, ngành nghề mới phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của thành viên như: dầu phộng (HTX nông nghiệp Thượng Giang), liên kết và tiêu thụ sản phẩm rau (HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa); ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, nhà màng, công nghệ tưới tự động, tưới tiết kiệm nước... Hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn thực hiện mô hình vừa quản lý, vừa điều hành. Đến cuối năm 2022, tổng sô cán bộ quản lý HTX là 106 người, trong đó: có 39 cán bộ quản lý có trình độ cao đẳng trở lên chiếm khoảng 37%; có 48 cán bộ có trình độ sơ cấp, trung cấp chiếm 45%; chưa đào tạo 19 cán bộ, chiếm 18%. Kết quả xếp loại chất lượng hoạt động của các HTXNN năm 2022 chỉ có 08 HTXNN xếp loại khá, tốt; còn lại là xếp loại trung bình, yếu.
HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa liên kết và tiêu thụ sản phẩm rau
Bên cạnh những thành tựu đạt được, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Tây Sơn vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tiềm năng của mình trong đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; thu nhập của người lao động trong HTX tuy đã tăng nhưng chỉ bằng 50% so với doanh nghiệp. Quy mô HTX ngày càng nhỏ dần, từ đó khó cạnh tranh và khó phát triển theo các chuỗi giá trị bền vững. Các HTX tiếp tục duy trì các dịch vụ phục vụ sản xuất của thành viên như: thủy lợi, làm đất, cung ứng giống, vật tư,....Tuy nhiên, các dịch vụ này đang gặp các khó khăn lớn như: sự thay đổi về cơ chế chính sách trong thực hiện việc quản lý khai thác công trình thủy lợi vừa và nhỏ, quy định về hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở, kinh phí cấp bù giá dịch vụ công ích thủy lợi; việc quản lý thị trường đối với các cơ sở kinh doanh giống, vật tư còn lỏng lẻo dẫn đến cạnh tranh kém lành mạnh. Đa số HTX nông nghiệp số lượng thành viên lớn nhưng diện tích sản xuất của từng thành viên lại rất nhỏ, manh mún nên việc xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn. Chưa đồng bộ trong thực hiện các quy trình canh tác; tổ chức thu gom nông sản tập trung, hạch toán chia lãi dịch vụ cho thành viên tốn nhiều công lao động, làm giảm hiệu suất kinh doanh của HTX. Phần lớn thành viên chưa thực sự hiểu Luật HTX năm 2012, có tâm lý ỷ lại và có suy nghĩ cách thức hoạt động HTX theo luật năm 2012 như mô hình cũ. Nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về KTTT, nhất là HTX kiểu mới được nâng lên những vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX và kinh tế hợp tác. Những người quản lý, điều hành HTX cũng đã trên dưới 60 tuổi nên gặp khó khăn trong hoạch định chiến lược sản xuất và quản lý.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Tây Thuận xây dựng đạt chuẩn IS0 14001
Tuy các HTX NN chậm phát triển nhưng thông qua hoạt động đã thể hiện vai trò cơ bản trong việc ổn định và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; HTX NN đảm nhận các dịch vụ thiết yếu không thể thiếu ở địa phương như: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, tín dụng nội bộ, làm đất, thu gom rác thải, gặt, vật tư nông nghiệp…thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh các HTX NN đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần cho việc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 79-KH/HU, ngày 06/02/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế của thành phần kinh tế tập thể nhất là hợp tác xã nông nghiệp thì hệ thống chính trị và các ban ngành có liên quan trên địa bàn huyện cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất; Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình, đề án cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Kế hoạch 79-KH/HU, ngày 06/02/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy phù hợp với thực tiễn của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của KTTT, HTXNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTXNN, giải quyết dứt điểm những vấn đề, như: Nợ tồn đọng kéo dài; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của HTX cũ, nhất là những tài sản liên quan đến đất đai.
Thứ ba; Cần có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia KTTT, HTX. tập trung đào tạo, huy động nhân lực chất lượng cao cho HTX.
Thứ tư; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nâng cao trình độ quản trị đáp ứng yêu cầu thị trường, từ đó, xây dựng các mô hình HTXNN kiểu mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, các chính sách thuế, chính sách tín dụng.
Thứ năm; Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng địa phương, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường,…
Thứ sáu; Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTXNN nhằm tạo động lực cho khu vực HTXNN phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng công nghệ hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thực tế đã cho thấy kinh tế tập thể mà trong đó HTXNN là chủ thể quan trọng, góp phần phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, tạo việc làm, phát triển kinh tế bao trùm, chuyển đổi kinh tế và lao động phi chính thức sang chính thức, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, xây dựng xã hội học tập. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Tây Sơn là phải phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa nền kinh tế và đảm nhiệm tốt vai trò nền tảng vững chắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Y.C