Hỗ trợ thiết thực
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tây An Nguyễn Văn Phú, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ huyện Tây Sơn về kế hoạch phối hợp, phân công nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phân công các tổ chức thành viên nhận giúp đỡ, hỗ trợ 20 hộ nghèo thông qua các hình thức như: Tín chấp vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH; hỗ trợ xây nhà ở; tặng con giống, vật tư nông nghiệp…
|
Chị Nguyễn Thị Đẹt (phía trước, xã Tây An) chăm sóc bò mua được từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH |
Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Đẹt (ở thôn Đồng Quy), trước đây là hộ nghèo, đi làm thuê, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2022, từ sự phân công của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Hội LHPN xã đã phụ trách hỗ trợ, tín chấp tạo điều kiện cho gia đình chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện mua 2 con bò về nuôi.
Chị Đẹt cho biết, 2 con bò là tài sản lớn đối với gia đình. Quá trình nuôi, chị được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh... Qua hơn 1 năm chăm sóc, 2 con bò đã sinh 2 bê con, bán được 15 triệu đồng. “Thời hạn vay là 3 năm, giúp gia đình tôi có điều kiện làm ăn, cải thiện đời sống hơn”, chị Đẹt nói.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, cuối năm 2023, xã Tây An đã có 10/20 hộ nghèo thoát nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,41% (năm 2022 là 5,11%). “Để thực hiện hiệu quả chương trình, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã sẽ đề nghị các hội, đoàn thể tiếp tục quan tâm các hộ vừa thoát nghèo và chưa thoát nghèo. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ sinh kế, giúp đỡ kết nối việc làm, phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, đảm bảo thoát nghèo bền vững”, ông Phú cho hay.
Còn tại xã Tây Thuận, thực hiện kế hoạch phân công nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp hộ nghèo, như tặng 11 con bò giống; trao gần 300 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng hàng trăm cây giống, vật tư nông nghiệp; trao tiền xây dựng nhà Đại đoàn kết… với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.
Chú trọng hiệu quả thực chất
Theo Ủy ban MTTQ huyện Tây Sơn, thực hiện kế hoạch phối hợp phân công nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn năm 2022 - 2024, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã ký chương trình phối hợp liên tịch với một số nội dung hỗ trợ cho hộ nghèo, như giúp hộ nghèo có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay; xây dựng mới, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ phương tiện, kiến thức, giống cây, con; giúp đỡ tiền khám, chữa bệnh…
Triển khai chương trình, trong giai đoạn 2022 - 2023, các tổ chức thành viên đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giải ngân, cho trên 14.200 hộ vay gần 480 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Đồng hành, giúp đỡ người dân triển khai thực hiện nhiều mô hình, tổ liên kết đạt hiệu quả cao, giúp cho các hộ có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, MTTQ các cấp và tổ chức thành viên còn vận động DN, nhà hảo tâm đóng góp hơn 5,3 tỷ đồng vào quỹ Vì người nghèo, quỹ Cứu trợ. Từ đó, hỗ trợ được 28 mô hình sinh kế, sửa chữa và xây dựng 74 ngôi nhà Đại đoàn kết, tặng nhiều sổ tiết kiệm, hỗ trợ tiền, quà hiện vật, con giống… cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.
Để công tác giảm nghèo đảm bảo thực chất, đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn, thời gian tới, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ phối hợp với các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách giảm nghèo; tăng cường hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, chú trọng nâng cao thực chất đời sống người dân.
Đồng thời, MTTQ huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các chính sách giảm nghèo được triển khai đúng quy định, đúng đối tượng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo đa chiều của huyện đã đề ra là giảm 1,5%/năm.
Nguồn: Báo Bình Định