Để thúc đẩy phong trào SXKDG, hàng năm, Hội nông dân huyện và các cơ sở hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Hội còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Thông qua phong trào đã góp phần từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi như: Vùng trồng rau VietGAP xã Bình Tường và thị trấn Phú Phong; Mô hình Gà nòi đất võ ở xã Bình Thành; Mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ở thị trấn Phú Phong… Nhiều sản phẩm nông sản của huyện hiện được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP và đã có mặt tại các siêu thị, thành phố lớn trong cả nước.
Mô hình Gà nòi đất võ của hộ ông Thái Bửu Bấu xã Bình Thành
Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) tồn tại hàng trăm năm nay, là biểu tượng văn hóa thuần nông của Đất Võ Tây Sơn. Trong tương lai làng rau VietGAP Thuận Nghĩa sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn tại vùng đất Bình Định. Khối Thuận Nghĩa hiện có 470 hộ dân thì có 224 hộ dân tham gia làng rau với diện tích 36 ha, trong đó có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành từ năm 2013. Theo ông Trần Tế Thế - Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Nghĩa cho biết"Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích đất sản xuất và chuyển đổi cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại nguồn thu nhập cho hội viên nông dân".
Hiện nay, toàn huyện Tây Sơn có 5.272 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: Cấp Trung ương 01 hộ; cấp tỉnh 119 hộ; cấp huyện 1.360 hộ và 3.792 hộ cấp xã, thị trấn. Bên cạnh việc tích cực đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hội viên nông dân huyện Tây Sơn còn rất năng động trong việc tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều hội viên nông dân với sự đam mê, sáng tạo đã vận dụng những kiến thức từ sách vở và cả thực tiễn để cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Trong số đó có nhiều sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã được trao giải tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định. Tiêu biểu như: sáng kiến “Nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm bào ngư”; xe phun thuốc trừ sâu tiện dụng; máy làm đất đa năng… Những sáng chế này không những phục vụ nhu cầu cuộc sống, góp phần tăng năng suất lao động mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân.
Lãnh đạo Hội nông dân huyện thị sát, tham quan mô hình
Đời sống kinh tế phát triển là điểm tựa quan trọng để tiếp tục huy động nguồn lực trong dân chung tay xây dựng Nông thôn mới với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 5 năm qua, hội viên nông dân toàn huyện đã đóng góp trên 9,8 tỷ đồng, thực hiện hơn 6.855 ngày công, hiến 35.942m2 đất vườn, đất nhà ở, đất sản xuất để xây dựng hạ tầng nông thôn.
Hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng Nông thôn mới tại huyện Tây Sơn đã phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội nông dân huyện Tây Sơn cho biết: "Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng NTM trên địa bàn".
Văn Phong