Những năm gần đây, Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; từ đó xuất hiện nhiều ý tưởng sáng tạo, cải tiến, chế tạo các thiết bị, máy móc, giải pháp ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2016 - 2022, bình quân có từ 2 đến 3 giải pháp sáng tạo, cải tiến/ năm trên các lĩnh vực như cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi của nông dân trong huyện đăng ký tham gia. Riêng năm 2021, có 3 sáng tạo, cải tiến của nông dân. Năm 2022 có 2 giải pháp đăng ký tham gia.
Các giải pháp kỹ thuật trong thời gian qua rất đa dạng, trong đó ấn tượng nhất có sáng tạo thiết bị nâng nhiệt khử trùng bịch phôi nấm sò của ông Đỗ Đình Hòa ở xã Tây Thuận. Năm 2015 sáng kiến "Thiết bị nâng nhiệt độ khử trùng bịch phôi nấm sò" của ông được Hội Nông dân tỉnh Bình Định và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh trao giải nhất tại Hội thi "Sáng tạo Nhà nông" toàn tỉnh, được Bộ NNPTNT tặng bằng khen. Đáng chú ý, với nhiều đóng góp tích cực, ông Đỗ Đình Hòa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2016.
Cũng sáng tạo bắt nguồn từ thực tế sản xuất, xe phun thuốc trừ sâu bảo vệ trang trại cây ăn trái của ông Hồ Ngọc Dũng đã đoạt Giải Ba tại Hội thi "Sáng tạo Nhà nông" toàn tỉnh Bình Định năm 2021. Trang trại của ông Dũng rộng 10 ha trồng các loại cây ăn trái, như bưởi da xanh, quýt đường, cam, ổi, định kỳ phải phun thuốc trừ sâu 20 – 30 ngày/ lần. Trước đây, ông phun thuốc bằng bình đeo lưng phải tốn rất nhiều công lao động, lắm khi tìm cũng không có công phun. Để vừa chủ động, tiện dụng trong việc phun thuốc trừ sâu phòng ngừa, bảo vệ diện tích cây ăn trái trong trang trại vừa đảm bảo kỹ thuật cây trồng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe. nên ông nghĩ đến chuyện làm xe phun thuốc. Với xe phun thuốc, mỗi lần phun, ông Dũng tiết kiệm được 360 công lao động/ 10 ha. Ông Dũng cũng đã xuất bán được 1 chiếc xe phun thuốc trừ sâu, với giá bán 45 triệu đồng/ chiếc.
Xe phun thuốc trừ sâu bảo vệ trang trại cây ăn trái của ông Hồ Ngọc Dũng
Một trong những sáng tạo nữa của người nông dân huyện Tây Sơn là "máy mài mỏ gà". Trước đây, người nuôi gà với số lượng lớn buộc phải bấm mỏ khi gà đến tầm 2 tuần tuổi. Bấm thủ công mất khá nhiều thời gian nên nhiều người nghĩ đến làm ra máy mài mỏ gà. Với niềm đam mê sáng tạo, thấu hiểu được nỗi vất vả của người chăn nuôi gà, ông Lê Hà Đô ở xã Bình Nghi đã sáng chế ra máy mài mỏ gà bằng điện trở rất tiện lợi. Với thành công trong việc chế tạo máy cắt mỏ gà, giải pháp này của ông Đô đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo nhà nông toàn tỉnh Bình Định. Chiếc máy của ông Đô nhỏ gọn, dễ dùng, giá lại rất rẻ - chỉ 500 nghìn đồng/chiếc, nên được cả nhiều người nuôi gà ngoài huyện Tây Sơn đặt mua.
Ông Lê Hà Đô sáng chế máy mài mỏ gà
Các đề tài sáng chế của nông dân huyện Tây Sơn trong thời gian qua, ngoài lợi ích về kinh tế còn góp phần bảo vệ sức khỏe, giải quyết lao động thiếu hụt tại địa phương và giảm lao động chân tay cho nông dân. Đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản, hiệu quả góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tây Sơn.
Đào Minh Trung