HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC, QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP; PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG BÌNH ĐỊNH TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN THUỘC NHÓM DẪN ĐẦU KHU VỰC MIỀN TRUNG

Thứ năm - 29/02/2024 04:37 3.469 0
Ngoài “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Người đã có rất nhiều bức thư, bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước như: Lời kêu gọi thi đua yêu nước (5/1948); Thư gửi Hội nghị thi đua ái quốc (6/1949); Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công (8/1949); Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất (3/1950); Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta (7/1951); Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc (8/1951); Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (5/1952); Điện gửi Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua Nam Bộ (6/1954); Nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III (5/1958); Lời chào mừng Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (7/1958)…
Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”; những bài nói, bài viết và chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rút ra một số điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước như sau:
- Quan điểm về thi đua: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
- Mục đích thi đua yêu nước: Là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để đem lại kết quả đầu tiên là: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”. Đây là ba thứ giặc thường xuyên đe dọa cuộc sống của dân ta, là những kẻ thù nguy hiểm mà chúng ta phải chống lại và đánh thắng. Thi đua ái quốc nhằm diệt ba thứ giặc đó, là mục đích trực tiếp để giải phóng dân tộc và cũng là động lực trực tiếp để phát triển dân tộc.
- Nội dung thi đua yêu nước: Phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của Nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
- Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp Nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng. Với những chỉ dẫn về cách làm thi đua ái quốc như vậy, Người xác định bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì cũng phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Rõ ràng nói thi đua để làm thi đua, hành động chứ không nói suông.
- Phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao.  Từ thực tiễn và thành quả cách mạng đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp nhau thi đua, cùng tiến bộ, không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi, không ngừng phát huy lòng yêu nước, đẩy mạnh thi đua xây dựng và bảo vệ đất nước thì đều “ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”. Đồng thời, thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục, toàn diện, làm cho sức sống của phong trào vượt không gian và thời gian.
II- VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀO THỰC TIỄN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Trong các cuộc kháng chiến cu nước, cũng như trong thời k xây dng và bo v T quc, Đảng b tỉnh Bình Định luôn kế tha và vn dng sáng to tư tưởng H Chí Minh v thi đua yêu nước đ t chc các phong trào thi đua sát vi nhim v chính tr ca tng đa phương, cơ quan, đơn vị.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, dưới s lãnh đo đúng đắn và sáng to ca Đảng và Chủ tch H Chí Minh, Bình Định cùng vi c nước bước vào cuc kháng chiến chng thc dân Pháp xâm lược. Ngày 11/6/1948, nhằm động viên toàn dân tham gia công cuộc “Kháng chiến kiến quốc” chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm động viên Nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bình Định nêu cao khẩu hiệu “Nhà nhà thi đua, người người thi đua”, tích cực củng cố, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang nhân dân địa phương trong tỉnh để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chuẩn bị chiến đấu bảo vệ và xây dựng vững chắc hậu cứ kháng chiến. Trong phong trào thi đua “Diệt giặc đói”, Bình Định quyết tâm thực hiện mục tiêu “Vùng tự do tiến tới tự túc về ăn, mặc và học”, đẩy mạnh tăng vụ sản xuất. Trong thi đua “Diệt giặc dốt”, toàn tỉnh tích cực triển khai phong trào “Bình dân học vụ”, góp phần xóa mù chữ cho hàng ngàn người, ngoài ra còn mở lớp “bổ túc bình dân” để nâng cao trình độ cho người dân. Phong trào “Diệt giặc ngoại xâm” đã thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi đường làng, ngõ xóm là trận địa diệt thù, phát động sâu rộng phong trào sưu tầm vũ khí để trang bị cho lực lượng du kích, dân quân địa phương, sưu tầm nguyên vật liệu cung cấp cho các công binh xưởng, sản xuất, chế tạo vũ khí, xây dựng và phát triển lực lượng phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua trong lao động sản xuất và trong chiến đấu. Các phong trào thi đua giết giặc được phát động rầm rộ như: “Phất cao cờ hồng tháng Tám”, “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Thi đua quyết thắng”, “Tây Sơn quyết thắng”, “Mùa xuân quyết thắng”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Hiến sức, hiến kế chống Mỹ, cứu nước”, phong trào thi đua “5 xung phong” trong thanh niên, “5 tốt” trong phụ nữ… Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các tuần lễ phát động thi đua tấn công chính trị; tuần lễ phát động căm thù, phát huy truyền thống nối gót Tây Sơn giết giặc lập công; tuần lễ xung phong thoát ly, tòng quân,... với nhiều hình thức tuyên truyền cổ động sinh động, phong phú làm cho các phong trào thi đua dấy lên mạnh mẽ, liên tục, tạo không khí thi đua sôi nổi, hào hứng, rộng khắp đến các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh. Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, các phong trào thi đua trong tỉnh đã huy động toàn dân hăng hái đóng góp công sức, tiền của chi viện kịp thời cho chiến trường, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của Nhân dân. Nổi bật, trong phát triển kinh tế có các phong trào như: “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, “Trồng rừng kinh tế”, “Phủ xanh đất trống đồi trọc”. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có các phong trào “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Lực lượng vũ trang có các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Công an nhân dân học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Xứng danh Bộ đội cụ Hồ”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có các phong trào như: “Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh”, “Dân vận khéo”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Trong những năm gần đây, các phong trào thi đua ngày càng đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng; nội dung thi đua cụ thể, sát thực tiễn, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tiêu biểu có các phong trào như: “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tỉnh Bình Định đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”…           Các phong trào thi đua thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, là động lực thúc đẩy tinh thần đoàn kết, động viên các tầng lớp Nhân dân chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo nên sức bật mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố miền Trung; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 13.828 tỷ đồng, vượt 1,3% so với dự toán năm; quy mô kinh tế của tỉnh đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành phố miền Trung (tăng 2 bậc so với trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX); GRDP bình quân đầu người đạt 78,1 triệu đồng, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố miền Trung (tăng 1 bậc so với trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX).            Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP; PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG BÌNH ĐỊNH TRỞ THÀNH TỈNH PHÁT TRIỂN THUỘC NHÓM DẪN ĐẦU KHU VỰC MIỀN TRUNG
Năm 2024 - 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó năm 2024 được xác định là năm bản lề, có tính chất quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung. Để đạt mục tiêu đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước
Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 49-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thi đua, khen thưởng… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, coi đây là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, của từng địa phương, đơn vị.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và những năm tiếp theo, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Nội dung các phong trào thi đua tập trung hướng vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, những việc khó, phức tạp, những vấn đề bất cập, tồn đọng, dư luận quan tâm. Tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính, con người, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh - đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
2. Tiếp tục phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; huy động cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua yêu nước
Đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương trong tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua; theo sát, hòa chung trong các phong trào thi đua, quán triệt sâu sắc quan điểm gần dân, trọng dân, kính dân, yêu dân để bám sát phong trào trên các mặt của đời sống xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua; phải xác định thi đua, khen thưởng là công cụ quan trọng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, là động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; lấy kết quả thi đua làm tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Huy động các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào các phong trào thi đua.
3. Tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức các phong trào thi đua. Bên cạnh phong trào thi đua thường xuyên, cần tổ chức thi đua theo đợt, theo chuyên đề để hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, chương trình, đề án trọng điểm, những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc mà Nhân dân quan tâm. Các phong trào thi đua cần có kế hoạch, nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể để tổ chức phát động phong trào thi đua phù hợp với từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… Đẩy mạnh thi đua trong cải cách hành chính, quyết tâm xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Thi đua đẩy mạnh phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, đô thị và dịch vụ, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, khuyến học, khuyến tài. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển địa phương. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt
Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng điển hình tiên tiến. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan thông tin tuyên truyền, Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã phải xác định việc tuyên truyền, phổ biến các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, điển hình tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tuyên truyền; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp để tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng; mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng để giới thiệu, tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình mới, nhân tố mới. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức tuyên truyền như: Tổ chức hội nghị tôn vinh điển hình tiên tiến; tổ chức cho các gương điển hình giao lưu, trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm; sử dụng và kết hợp hài hòa các hình thức báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền thông qua bản tin thông báo nội bộ, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, tăng cường sử dụng các hình thức truyền thông mới trên nền tảng internet, mạng xã hội; …để tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, gương người tốt, việc tốt.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Các cụm, khối thi đua cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất công tác thi đua để công tác thi đua ngày càng thiết thực hơn, tránh hình thức. Thông qua kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết nhằm phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, dẫn đầu các phong trào thi đua để kịp thời biểu dương, khen thưởng. Việc khen thưởng phải chính xác, công khai, minh bạch, khen thưởng phải phát huy tính nêu gương, giáo dục, tránh khen thưởng tràn lan, không đúng thực chất thành tích, ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào thi đua. Các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thật sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chú trọng khen thưởng các điển hình, nhân tố mới, các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các đối tượng công nhân, nông dân trực tiếp lao động, sản xuất, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; người có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên. Chủ động đề xuất khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân làm tốt công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; các tập thể, cá nhân người Bình Định ở ngoài tỉnh, ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Định.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước luôn là ngọn đuốc soi đường cho mọi phong trào thi đua trong suốt hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hơn 75 năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Định luôn kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ chí Minh về thi đua yêu nước. Sự lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực mạnh mẽ, đưa Đảng bộ và Nhân dân Bình Định vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên phát triển không ngừng. Học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, coi đây là một giải pháp quan trọng để Bình Định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng các cấp, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Bình Định đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây