Nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của người Ba Na huyện Tây Sơn tham gia ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 16

Thứ tư - 06/07/2022 06:52 1.033 0
     Vừa qua, tại huyện Vĩnh Thạnh, trên 70 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên (VĐV) người Ba Na của huyện Tây Sơn đã cùng với hơn 500 diễn viên, VĐV, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số đến từ 5 huyện khác trên địa bàn Tỉnh (Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát) đã tham gia ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 16.
        Trong niềm vui rộn rã của bà con ở các vùng miền núi của tỉnh, trong không gian văn hóa đa sắc màu của các dân tộc miền núi, đoàn diễn viên, VĐV, nghệ nhân Tây Sơn cũng đã mang đến ngày hội những nét văn hóa đặc sắc vừa mang đậm chất nghệ thuật, vừa thể hiện rõ những phong tục, tập quán đẹp trong đời sống hàng ngày của bà con đồng bào Ba Na trên địa bàn huyện. Nổi bật tại ngày hội, trại của đơn vị tham gia đã tái hiện lại khá rõ hình ảnh cách làm nhà rông của người Ba Na - Tây Sơn. Đó là những ngôi nhà rông vững chãi, bài trí các hình ảnh, đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống khoa học, giúp người xem dễ dàng tham quan, tìm hiểu.

Năm nay chủ đề của ngày hội là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”. Mở màn Ngày hội là chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Trong phần thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, Tây Sơn đã để lại cho khán giả dự xem nhiều ấn tượng khi đoàn diễn viên, nghệ nhân, vận động viên của huyện có đủ mọi lứa tuổi tham gia trình diễn đã khẳng định sức sống mãnh liệt của trong đời sống văn hóa của người Ba Na Tây Sơn. Trước khi đến với ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên Tây Sơn cũng tập luyện chỉnh chu các tiết mục diễn tấu cồng chiêng, các điệu múa xoang để biểu diễn tại ngày hội. Anh Đinh Khen- xã Vĩnh An cho biết “bản thân đã được nghệ nhân lớn tuổi  trong làng truyền lại cho cách đánh cồng chiêng để tham gia ngày hội lần này. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ như tôi được học hỏi các điệu cồng điệu chiêng, những lễ hội truyền thống nói riêng, những nét văn hóa đẹp của gười Ba Na nói chung
        Một hoạt động cũng đặc sắc, ấn tượng không kém đó là phần trình diễn, giới thiệu lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Ba Na huyện nhà. Tham gia Ngày hội, Tây Sơn giới thiệu đến ban tổ chức và quý khán giả nghi thức lễ mừng cơm mới. Ở nội dung này, Tây Sơn đã đầu tư dàn dựng công phu, cô đọng, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa từng dân tộc; phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
       Không chỉ tham gia các hoạt văn hóa, nghệ thuật, kết nối và thấu hiểu nhau; Đoàn Tây Sơn còn thể hiện khá tốt các môn thi đấu thể thao, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống, trong đó, bắn nỏ giành hai vị trí nhất đứng bắn nam, nhì ở nội dung đứng bắn nữ và đạt giải 3 môn kéo co ….
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thăm tặng quà đoàn Tây Sơn

       Hai năm diễn ra 1 lần, mỗi kỳ tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền núi đã mang lại hiệu quả trong việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền núi trong tỉnh, giới thiệu vốn văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc miền núi, mang lại những kết quả đáng trân trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời cũng mở ra những cơ hội để những đặc trưng văn hóa của đồng bào được giới thiệu với du khách, những sản phẩm, vật phẩm hàng ngày của bà con trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, qua đó sẽ đóng góp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính đồng bào nơi ấy.
                                                                   Minh Ngọc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây