Những năm gần đây, huyện Tây Sơn có bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch kinh tế đúng hướng với xu thế chuyển dần sang tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ. Theo đó, du lịch Tây Sơn có xu hướng phát triển, thu hút đông đảo du khách gần xa nhờ chuỗi di tích của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn gắn với việc duy trì các tour du lịch tâm linh, các di sản văn hóa phi vật thể như: võ cổ truyền, hát tuồng, hội đánh bài chòi dân gian, các lễ hội truyền thống, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn và các tài nguyên du lịch khác như: mô hình du lịch cộng đồng, văn hóa cộng đồng người Bana, khu trang trại nhà vườn kết hợp với du lịch sinh thái và ẩm thực phong phú độc đáo.
Lễ Hội Đống Đa
Tây Sơn có 21 di tích được Nhà nước Công nhận, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 08 di tích cấp Quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Trong 21 di tích trên có 07 di tích liên quan đến Triều đại Nhà Tây Sơn. Toàn huyện có 13 khách sạn, 19 nhà nghỉ, 50 nhà hàng và 1.290 cơ sở kinh tế cá thể đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống. Có 28 xe khách với nhiều đầu xe chất lượng cao đi các tỉnh, thành phố, hàng trăm xe du lịch gia đình và dịch vụ đưa đón khách. Hệ thống bán lẻ xăng dầu tiếp tục được đầu tư về số lượng và chất lượng. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện, liên xã, thị trấn và liên thôn phát triển rộng khắp, ngày càng được đầu tư chất lượng, mở rộng, thảm nhựa và bê tông xi mămg, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách tham quan du lịch.
Trên địa bàn huyện có các sông và hồ đập lớn như: Sông Kôn, Sông Kut, Hồ Thuận Ninh, đập dâng Văn Phong, đập dâng Phú Phong. Các sông và hồ đập chẳng những cung cấp nước cho sản xuất, tham gia điều tiết giao thông, thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân mà còn là những điểm tham quan thu hút khá nhiều du khách đến với huyện Tây Sơn. Ngoài ra, Tây Sơn còn là cái nôi tinh hoa võ học Bình Định, có 2 võ đường lớn được Nhà nước quyết định là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát triển ( võ đường Hồ Sừng ở thôn Thuận Truyền xã Bình Thuận và võ đường Phan Thọ ở xã Bình Nghi). Tinh thần thượng võ của đất và người Tây Sơn với những dòng võ đặc trưng được nhiều võ tướng và nhân dân sáng tạo, linh hoạt sử dụng, cùng hệ thống Thập bát binh khí danh tiếng, được các võ đường và nhân dân lưu giữ đến ngày nay.
Ngoài những phong tục tập quán tốt đẹp của người kinh, còn có những lễ hội, nét văn hóa mang đậm chất văn hóa người đồng bào Bana như: lễ hội Cồng chiêng, lễ mừng chiến thắng (lễ đâm trâu), lễ Bỏ mả, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới, lễ kết nghĩa anh em....Tây Sơn còn là nơi có những món ăn ngon trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích như: dé bò, nem chả, gà thả đồi nướng, thịt dê 7 món, ché rơm, bánh cuốn, cá mương chiên giòn, cá đá, cá niên luộc, cá chạch nướng, chả ram tôm đất, bánh tráng, rượu bàu đá, rượu đậu xanh….
Tuy nhiên, tiềm năng lợi thế phát triển ngành du lịch của huyện chưa được phát huy đúng mức; chưa thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch còn hạn chế; sản phẩm phục vụ du lịch còn ít. Hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhất là hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Số lượng doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể cho hoạt động dịch vụ, du lịch còn nhỏ lẻ, chưa có hàng hóa đặc trưng của huyện để tham gia phục vụ khách du lịch và xuất khẩu. Công tác quy hoach, đào tạo thu hút nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý, tổ chức hoạt động, khai thác và phát triển du lịch ở huyện Tây Sơn chưa được chú trọng đúng mức. Việc liên kết, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Tây Sơn gắn với hoạt động ngoại giao văn hóa tạo tính cộng hưởng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện chưa rõ nét và hiệu quả còn thấp.
Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng (xã Tây Phú)
Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn đã định hướng tầm nhìn đến năm 2050: Tây Sơn là trung tâm động lực phát triển phía Tây của tỉnh, trở thành đô thị loại III, thành phố thuộc tỉnh. Là đô thị công nghiệp - dịch vụ và là trung tâm du lịch lịch sử - văn hóa với 3 chiến lược phát triển: (1) Phát triển đô thị gắn liền với du lịch lịch sử và du lịch sinh thái;(2) Phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, (3) phát triển đô thị gắn liền với phát triển bền vững khu vực nông thôn. Tập trung phát triển 4 hành lang kinh tế của huyện: hành lang đô thị-dịch vụ-công nghiệp ( thị trấn Phú Phong là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện); hành lang sinh thái kinh tế nông, lâm nghiệp phía bắc huyện; hành lang sinh thái lâm nghiệp phía Tây Nam huyện; hành lang sinh thái Sông Kôn (hình thành các khu đô thị ven sông, du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh gắn với cảnh quan, văn hóa, lịch sử ven sông Kôn).
Tháp Dương Long
Thiết nghĩ, với nền tảng và điều kiện thuận lợi như thế trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn huyện như sau:
Một là, nên bố trí giao đơn vị chuyên ngành du lịch, có đủ năng lực để quản lý, tổ chức hoạt động khai thác phát triển ngành du lịch của huyện. Cần ưu tiên phát triển thị trường du lịch nội địa, trong đó thị trường du lịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là thị trường trọng điểm. Mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu…và các nguồn khác từ sân bay quốc tế Phù Cát, Chu Lai.
Hai là, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh của huyện Tây Sơn rộng rãi bằng nhiều hình thức. Để xây dựng, quảng bá hình ảnh của huyện thì phải có sức hút, nét độc đáo, đặc trưng nổi bật từ du lịch đến thương mại hàng hóa và thu hút đầu tư, vừa mang đậm truyền thống dân tộc, vừa kết tinh những giá trị nhân loại và cần sáng tạo, tích hợp được những nét truyền thống mang âm hưởng hiện đại, tạo sức hút “quyến rũ” trong bức tranh đa sắc màu văn hóa Bình Định và văn hóa Việt Nam.
Ba là, tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa với các hình thức đa dạng, phong phú. Chọn thị trấn Phú Phong làm trung tâm phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch đặc thù, trải nghiệm lồng ghép du lịch tâm linh vào các tour du lịch văn hóa, lịch sử với các giá trị văn hóa-lịch sử Tây Sơn mà trọng tâm là di tích Tây Sơn Tam kiệt gắn với võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định và Lễ hội Đống Đa; lễ hội Tế cáo trời đất hàng năm tại Đài kính thiêng Ấn Sơn ở xã Bình Tường, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Tây Sơn-Bình Định, liên hoan dân ca bài chòi, hát Tuồng nghệ thuật tiêu biểu của Bình Định, tạo hình ảnh nhận diện độc đáo của Tây Sơn, Bình Định.
Bốn là, đẩy mạnh đầu tư và đưa du khách tham quan, tiếp cận nhóm sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa Chăm pa, đặc biệt là các công trình tháp cổ như: Tháp Dương Long ở xã Tây Bình (Di tích cấp quốc gia đặc biệt); Tháp Thủ Thiện ở xã Bình Nghi. Trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên kết hợp với giá trị lịch sử cách mạng như Thắng cảnh Hầm Hô ở xã Tây Phú, Thác Đổ ở xã Vĩnh An, đập dâng Văn Phong ở xã Bình Tường, đập dâng Phú Phong ở thị trấn Phú Phong, Huyện Đường Bình Khê ở xã Tây Giang nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cha, dích tích Chiến thắng Thuận Ninh, di tích chiến thắng Thuận Hạnh, trận đầu đánh thắng không vận Hoa kỳ trên đất Bình Định... cùng với đõ phát triển nhóm sản phẩm du lịch hỗ trợ đó là du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống, mua sắm hàng hóa lưu niệm…
Năm là, tích cực kêu gọi xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần tham gia, sự chung tay của cả cộng đồng của huyện kể cả những người con, dâu, cháu, rể của quê hương trong việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh huyệnTây Sơn và đầu tư phát triển du lịch của huyện.
Sáu là, tăng cường đầu tư phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc y tế, thu gom rác thải, dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ, trung tâm đào tạo-hướng dẫn các loại ngành nghề…
Với vốn tài nguyên du lịch phong phú cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và quyết tâm của Huyện ủy Tây Sơn thì du lịch của huyện sẽ khởi sắc trong tương lai, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là đạt các tiêu chí đô thị loại IV năm 2024 và trở thành Thị xã trước năm 2030; xứng đáng với quê hương anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ .
Trần Minh Trung