Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2022)

Thứ ba - 29/03/2022 22:45 360 0
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Bình Định đã vượt qua vô vàng khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần cùng cả nước đánh thắng kẻ thù, giải phóng quê hương.

Bình Định là địa bàn huyết mạch ở khu vực duyên hải miền Trung và là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung Bộ với Tây Nguyên. Bước vào năm 1975, Bình Định là một trọng điểm đánh phá của địch ở duyên hải miền Trung. Chúng dự đoán quân ta sẽ mở chiến dịch trong tháng 1 hoặc tháng 2/1975, hướng chính là phía Bắc tỉnh, nhằm khôi phục lại vùng giải phóng trong Xuân - Hè 1972. Do đó từ cuối năm 1974, Quân khu II ngụy đã đưa Sư đoàn 22 cộng hòa về trấn giữ Bình Định, vừa ngăn chặn, phá vỡ cuộc tiến công của ta vừa tiêu hao, tiêu diệt Sư đoàn 3 Sao Vàng và các lực lượng vũ trang địa phương. Đồng thời địch cũng chú ý bảo vệ đường chiến lược 19 huyết mạch. Như vậy, quân địch ở Bình Định mắc sai lầm trong việc nhận định không chỉ về thời gian tiến công, mà cả về hướng và mục tiêu tiến công của ta, cũng như đánh giá không đúng về quyết tâm và thực lực của quân dân Bình Định.

Sau khi quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột (tháng 3/1975), Nguyễn Văn Thiệu đề ra chủ trương “co hẹp trận địa” và rút khỏi Bắc Tây Nguyên về “tử thủ” đồng bằng duyên hải, nhằm bảo toàn lực lượng và giữ những vùng có tính chất quan trọng sống còn. Tại Bình Định, Sư đoàn 22 cộng hòa từ phản kích giải tỏa, chuyển sang lập các cụm cứ điểm phòng thủ để ngăn chặn binh đoàn chủ lực của ta theo đường 19 tràn xuống Quy Nhơn, ngụy còn cho quân đóng tại Tuy Phước nhằm bảo vệ vùng ven Quy Nhơn và trấn an tinh thần quân địa phương.

Đông đảo đồng bào tham dự mít tinh mừng giải phóng tỉnh Bình Định. Ảnh tư liệu

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị: Nhanh chóng, táo bạo đẩy mạnh tiến công, đánh bại kế hoạch co cụm chiến lược của địch, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã triển khai tiến công quân ngụy trên đường 19 ở Bình Định, nhanh chóng đưa một số đơn vị đánh chiếm và chốt giữ cầu Thủ Thiện Hạ (Bình Nghi), nhằm cắt đứt đường tháo chạy của quân ngụy về Quy Nhơn. Để cứu vãn tình hình bế tắc trong thế tuyệt vọng, quân ngụy lập tức điều một số đơn vị về lập phòng tuyến vùng ven và trung tâm thị xã Quy Nhơn, hình thành một dải phòng ngự có chiều sâu, nhằm buộc ta phải đột phá từ xa, phải vượt qua nhiều tuyến kháng cự để chúng có thời gian củng cố lực lượng, tiếp tục chống đỡ.

Quyết không để cho quân ngụy kịp xoay trở, ngày 24/3/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định quyết định: “Đẩy mạnh 3 quả đấm, phát động cao trào tiến công, nổi dậy đồng loạt giải phóng nông thôn, đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa thị xã, đánh đổ toàn bộ quân địch, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng toàn tỉnh”. Khẩu hiệu hành động: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 đến ngày 31/3/1975, quân và dân Bình Định phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng đã dồn dập tiến công, liên tục nổi dậy, chiếm lĩnh các thị trấn, quận lỵ và thị xã, căn cứ quân sự, kho tàng, công trình công cộng của địch, đánh sụp toàn bộ ngụy quyền từ xã lên tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân ở địa phương. 17 giờ ngày 31/3/1975, ta đánh chiếm dinh tỉnh Trưởng. Đến 20 giờ ngày 31/3/1975, ta đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch, giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định. Sau thắng lợi vẻ vang này, Đảng bộ, quân và dân Bình Định tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong suốt 47 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng giàu mạnh, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhưng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh, tỉnh ta đã đạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 4,11 %, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của nhân dân trong tỉnh ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội cơ bản được giữ vững; công tác xây dựng Đảng được chú trọng, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. 

                                                                                   Ngọc Hiền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây