Lễ khai mạc Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 diễn ra vào tối 21/4,
tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt đã hình thành trong tâm thức của mình Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước và đi vào thơ ca dân gian “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” như một hình thức truyền khẩu để mỗi người dân đất Việt tưởng nhớ, trở về với cội nguồn của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ, không phân chia địa lý, vùng miền, dân tộc, điều đó làm nên giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam và sức mạnh khối đoàn kết dân tộc. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà cả nước có tín ngưỡng thờ tổ tiên chung như dân tộc Việt Nam.
Từ xưa đến nay, hàng năm Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với nghi lễ trang trọng, cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian truyền thống. Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như: Rước kiệu truyền thống, tổ chức hát xoan, đánh trống đồng, cồng chiêng, đâm đuống, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo thổi lửa nấu cơm… được phục dựng nguyên bản làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được gìn giữ và lưu truyền, có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Hàng năm, hàng triệu lượt người con đất Việt hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước, cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt Nam, trở thành biểu tượng văn hóa, phản ánh tinh thần, ý thức dân tộc và sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam. Từ Đền Hùng - trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nơi thể hiện ý thức về nguồn cội của hàng triệu triệu người dân đất Việt đã có sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ đến các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn lan rộng ra các di tích thờ Hùng Vương trong nước và ngoài nước nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.
Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng là minh chứng cụ thể, sinh động, khẳng định giá trị tâm linh bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Chính từ không gian văn hóa rộng lớn này, ý thức dân tộc, ý thức lịch sử, ước nguyện cộng đồng qua hàng nghìn năm được hòa quyện một cách tự nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc, kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, trên cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, trải khắp các vùng, miền, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có 345 di tích. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống lễ hội dân gian tại các di tích này đã tạo thành hệ thống di sản vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn được bảo tồn, phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống của người Việt và được trao truyền, thực hành từ thế hệ này sang thế hệ khác để trường tồn và lan tỏa cùng sự phát triển của dân tộc. Chính những giá trị văn hóa đặc sắc và lớn lao, mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 06/12/2012. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy giá trị vô giá của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng là góp phần gìn giữ di sản tinh thần cho nhân loại nói chung.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần quan trọng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm còn là dịp để mỗi người Việt Nam chúng ta tự hào quảng bá ra thế giới về một di sản văn hóa vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài; qua đó tiếp tục khơi dậy, phát huy sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nguồn: binhdinh.dcs.vn