Vẫn còn đó trong tâm thức lịch sử những địa danh ghi dấu tội ác đẫm máu của quân xâm lược gây ra đối với quân và dân huyện Tây Sơn. Biến đau thương thành hành động, Tây Sơn đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã có hàng ngàn người con ưu tú ra trận mà tiêu biểu là các anh hùng liệt sĩ, dũng sĩ diệt Mỹ như: Võ Lai, Nguyễn Thị Hồng Bông, Phạm Thị Đào, Nguyễn Hữu Tài, Bùi Minh Kiệt... phía sau, hàng ngàn người con Tây Sơn sẵn sàng dâng hiến máu xương để cứu lấy vận mệnh nước nhà, cả hàng ngàn người mẹ lặng lẽ nhận về mình nỗi mất mát không gì bù đắp nổi.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, trong cuộc tổng tiến công và tổng khởi nghĩa Mùa Xuân 1975, quân và dân trong huyện mở màn chiến dịch nhằm thực hiện nhiệm vụ cắt đường 19, bao vây kiềm giữ, tiêu diệt địch để hỗ trợ cho chiến trường Tây Nguyên, đồng thời tiến tới giải phóng huyện nhà. Đúng 5 giờ 35 phút ngày 04/3/1975, các lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp các đơn vị chủ lực đồng loạt tấn công tiêu diệt 14 chốt điểm phòng thủ của địch ở phía Tây huyện và dọc đường 19, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47, sư đoàn 22; kết hợp các xã trong huyện đã đồng loạt tấn công nổi dậy giành thắng lợi to lớn. Trước sự tấn công bất ngờ và mạnh mẽ của ta, địch đã điều 2 trung đoàn 41 và 42 (thuộc Sư đoàn 22) và 2 tiểu đoàn bảo an tập trung phản kích quyết liệt, nhất là trục đường 19. Thừa thắng xông lên, quân và dân trong huyện tiếp tục tấn công và giành thắng lợi giòn giã trên mọi mặt trận. Ngày 06/3, giải phóng hoàn toàn xã Bình Hòa và đại bộ phận xã Bình An, Bình Tân. Ngày 15/3 giải phóng hoàn toàn xã Bình Tân, một phần xã Bình Thành và Bình Thuận. Ngày 17/3 giải phóng hoàn toàn xã Bình Giang (nay là Tây Giang, Tây Thuận) và các xã đông bắc huyện. Ngày 26/3 gải phóng hoàn toàn xã Bình Thành. Ngày 31/3 lực lượng vũ trang của ta đã đập tan toàn bộ các cụm quân phòng thủ của địch, buộc chúng tháo chạy về Quy Nhơn, ta giải phóng quận lỵ Phú Phong và các xã còn lại. Ba trung đoàn của sư đoàn 22 Ngụy bị đánh thiệt hại nặng, toàn bộ ngụy quân - ngụy quyền ở địa phương gồm 2 tiểu đoàn bảo an, 77 trung đội dân vệ thám kích và bộ máy ngụy quân - ngụy quyền từ quận đến thôn ấp bị sụp đổ.
10 giờ ngày 31/3/1975, cờ giải phóng tung bay trước tiền sảnh nhà Hành chính ngụy quyền Quận Bình Khê. Đó là giờ phút lịch sử đánh dấu một mốc son chói lọi, ngày toàn thắng của Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Tây Sơn trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 31/3/1975 được ghi vào lịch sử Bình Khê là ngày giải phóng hoàn toàn huyện nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Sau khi giải phóng huyện nhà; quân dân Bình Khê cùng quân dân trong tỉnh đã tích cực góp phần phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam (30/4/1975)
Quân giải phóng Bình Khê thu hồi vũ khí của địch
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tây Sơn và 14/15 xã, thị trấn; 03 anh hùng lực lượng vũ trang, 02 dũng sĩ diệt Mỹ, 209 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.735 liệt sĩ, trên 1.200 thương binh, 2.180 huân, huy chương các loại.
Chiến thắng lịch sử ngày 31/3/1975 là thắng lợi to lớn, toàn diện và triệt để của Đảng bộ, quân và dân Tây Sơn, đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Bên cạnh đường lối đúng đắn với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự hỗ trợ và hợp đồng chặt chẽ của các lực lượng, các chiến trường; sự đóng góp máu xương của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ. Chiến thắng lịch sử 31/3/1975 của huyện nhà còn bắt nguồn từ những nhân tố nội tại hết sức quan trọng; đó là sự kế thừa tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa phong trào nông dân Tây Sơn bách chiến bách thắng, thần tốc của Hoàng đế Quang Trung đã khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc; ý chí tự lực tự cường của Đảng bộ, quân và dân Tây Sơn với quyết tâm "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Đó còn là truyền thống đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ và nhân dân đã được vun đắp và phát huy mạnh mẽ trong quá trình tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đảng với dân một lòng, quân với dân một ý chí, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, thủy chung son sắt trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, cũng như lúc giành được thắng lợi.
Năm tháng đã trôi qua, nhưng sự kiện ngày quê hương Tây Sơn giải phóng mãi mãi là trang sử oanh liệt nhất của vùng đất này. Ngày 31/3/1975 là thời khắc chấm dứt cuộc trường chinh đầy gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do và cũng là thời điểm khởi đầu một chặng đường mới xây dựng cuộc sống mới trên quê hương Tây Sơn anh hùng.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đặc biệt trong 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, tình hình đất nước và huyện nhà còn nhiều khó khăn, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra, các thế lực thù địch không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Song, Đảng bộ và nhân dân Tây Sơn đã chung sức, chung lòng, chủ động khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, nội lực; được sự lãnh đạo và giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, nền kinh tế liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 1975 đến nay, giá trị các ngành sản xuất chính tăng dần qua các giai đoạn: 1976 - 1980 đạt 5,1%, giai đoạn 1991 - 2000 đạt 12%, giai đoạn 2001 - 2010 đạt 14%, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 13,9%. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới đã thu được những thắng lợi quan trọng, đến nay đã có 12/13 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tăng cường đầu tư. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ tích cực huy động các nguồn lực, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: công trình đập dâng Văn Phong; Chỉnh trang nội thị Phú Phong; xây dựng khu sinh thái Bàu Bà Lặn, khu dân cư Soi Khánh - Soi Cát, khu dân cư phía Bắc đường Nguyễn Thiện Thuật, khu dân cư Đồng Cây Keo... tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị Phú Phong, Tây Giang và các vùng phụ cận…. Các công trình lịch sử, văn hóa, du lịch tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp như: Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ thân phụ thân mẫu Tây Sơn Tam kiệt, Khu chứng tích Gò dài, Đài tưởng niệm Liệt sĩ Thuận Ninh; nâng cấp đường vào các lò võ Hồ Sừng, Phan Thọ; tiến hành lập quy hoạch xây dựng các khu trang trại kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Tây Phú, từ Đài Kính Thiên đến xã Vĩnh An; có 21 di tích và thắng cảnh trên địa bàn được công nhận di tích lịch sử văn hóa, trong đó 11 di tích cấp quốc gia,10 di tích cấp tỉnh; Khu Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt và Tháp Chăm Dương Long được công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia.... Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương, đơn vị đã thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... góp phần từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân vùng đặc biệt khó khăn. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển khá đa dạng, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế; tiềm năng du lịch được khai thác có hiệu quả. Tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng ngày càng tăng. Công tác xúc tiến đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. một số dự án Nhà máy may công nghiệp Able Tây Sơn, dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC, dự án Trung tâm Thương mại Tây Sơn, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH An Minh Huy, Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản của Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát,... Đến nay, toàn huyện có gần hai nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động. Sự nghiệp giáo dục của huyện được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều tiến bộ; công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, đa dạng các loại hình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập và phát triển nguồn nhân lực. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế xã, thôn tiếp tục được củng cố, 15/15 xã, thị trấn có bác sĩ. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển mạnh; nhiều năm liền tham gia Đại hội Thể dục - Thể thao cấp tỉnh đạt giải nhất toàn đoàn. Công tác xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa - thể thao luôn được chú trọng, đã kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động dự án Công viên nước của Công ty TNHH thương mại du lịch Minh Thành tại Khu dân cư dịch vụ đê bao Sông Kôn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện.
Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền không ngừng chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với nước, trợ cấp xã hội, vận động xây dựng quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các chính sách xã hội khác đạt kết quả khá. Tỷ lệ hộ nghèo từ 37% năm 1999 đến nay chỉ còn 4,99%; hộ khá, giàu tăng lên đáng kể; điện lưới quốc gia được phủ kín; tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%. Đã phủ kín các mạng điện thoại cố định và di động. Vận động toàn dân và các tổ chức tham gia giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, khó khăn; hỗ trợ xây dựng trên 2.000 ngôi nhà cho hộ chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc... Các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp tục được áp dụng trong chuyển đổi mùa vụ, thâm canh cây trồng, vật nuôi; năng suất, sản lượng lúa tăng hơn 3 lần so với năm 1975. Thu nhập bình quân đầu người từ 5 triệu đồng lên hơn 50 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so năm 2005. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được ổn định và cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa...
Nét nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện trong những năm gần đây là tiến trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh; không gian đô thị từng bước được mở rộng. Trung tâm thị trấn Phú Phong, các thị tứ ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới; thị trấn Phú Phong đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, thị tứ Đồng Phó đạt đô thị loại V.
Có thể tự hào khẳng định rằng, trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, những thành quả huyện nhà đã giành được là hết sức quan trọng, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no. Tất cả những đổi thay ấy gắn liền với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Với niềm tự hào quá khứ vẻ vang của dân tộc và tương lai của đất nước, cán bộ và nhân dân Tây Sơn nguyện tiếp bước cha anh, giữ vững niềm tin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chung sức, đồng lòng vững bước tiến lên, phấn đấu xây dựng quê hương Tây Sơn ngày càng giàu đẹp.
Y.C