Chiều ngày 30/6/2022, tại hội trường Ủy ban nhân dân thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), huyện Tây Sơn và thị xã An Khê đã ký kết quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng (PCCR) vùng giáp ranh. Tham dự buổi ký kết có đồng chí Nguyễn Thị Anh Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định; lãnh đạo Ủy ban nhân dân cùng các ngành, phòng liên quan của 2 địa phương (huyện Tây Sơn và thị xã An Khê); lãnh đạo các xã có rừng giáp ranh.
Tại buổi ký kết, các đại biểu đã bàn các giải pháp phối hợp quản lý, bảo vệ, PCCR rừng vùng giáp ranh huyện Tây Sơn và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Vùng giáp ranh 2 địa phương có chung đường ranh giới dài 47 km; cả 2 địa phương đều có diện tích rừng rộng, trữ lượng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao, nhiều động - thực vật quý hiếm, đất đai màu mỡ. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn của mỗi địa phương tại khu vực giáp ranh luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại khu vực giáp ranh còn có những diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều điểm nóng về phá rừng. Từ năm 2017 đến nay, đã xảy ra 17 vụ phá rừng- tổng diện tích trên 15,6 ha; 20 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp - diện tích trên 14,7 ha. Đặc biệt, trong năm 2021, diện tích rừng bị phá tăng cao với 3 vụ - trên 9,6ha, xảy ra tại 2 tiểu khu 270, 282 A, giáp ranh giữa địa bàn xã Tây Giang (Tây Sơn) - xã Song An (thị xã An Khê). Hiện vẫn còn khoảng 113 ha rừng giáp ranh thuộc huyện Tây Sơn bị người dân làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) lấn chiếm để trồng cây keo lai, bạch đàn nhiều năm qua.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tây Sơn và Thị xã An Khê ký kết quy chế phối hợp
Buổi ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng vùng giáp ranh giữa 2 địa phương góp phần tăng cường sự thống nhất, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, trao đổi, cung cấp thông tin, tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng tại các khu vực trọng điểm giáp ranh giữa 2 địa phương.
Đinh Ngọc