Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tây Sơn xuất hiện nhiều tội phạm lừa đảo qua mạng internet bằng nhiều thủ đoạn mới gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Tội phạm lừa đảo thường nhắm tới người dân ở những những vùng ít tiếp cận thông tin. Đối tượng là nữ giới như mẹ bỉm sữa, phụ nữ trung niên… Thông qua các trang Web hoặc mạng xã hội, đối tượng đưa ra các thông tin giả, sau đó dẫn dụ thông qua lời nói, hành động, hình ảnh…hoặc kết hợp nhiều phương thức làm cho người bị hại tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Sau khi đã chiếm đoạt tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại; thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm. Dưới đây là một số thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng Internet:
Thứ nhất, thủ đoạn lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là tuyển cộng tác viên bán hàng online, với chiêu trò đưa ra lời chào mời hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, dễ dàng kiếm tiền trên Potato. Đối tượng yêu cầu bị hại nhấn vào đường link tham gia bằng cách để lại số điện thoại. Ngay lập tức, có người liên hệ lại và kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cách thức thực hiện. Với chiêu trò này thì chị T.T.N (SN 1995) ở khối 1, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định đã bị 01 nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 450.000.000đ. Cụ thể, ngày 13/5/2022 có 01 số điện thoại lạ gọi đến số điện thoại của chị N hỏi có muốn làm việc để kiếm thu nhập không và đề nghi chị N kết bạn zalo với người có tên là Nguyễn Ánh Thảo. Sau khi kết bạn, Thảo hướng dẫn chị N cài đặt ứng dụng potato chat để làm công việc theo dõi các shop bán hàng trên các ứng dụng Lazada và đã được nhận số tiền hoa hồng qua tài khoản cá nhân của chị N. Sau đó đối tượng yêu cầu chị N nạp thêm tiền vào tài khoản để hưởng hoa hồng, lúc đầu yêu cầu nộp 100.000đồng, sau đó tăng dần đến 300.000.000 đồng vào nhiều tài khoản khác nhau do đối tượng cung cấp. Sau đó đối tượng tiếp tục lừa yêu cầu nạp thêm tiền để hưởng hoa hồng và rút tiền gốc đã nạp nhưng bị gia đình chị N phát hiện.
Thứ hai là lừa đảo với hình thức mua hàng qua mạng, đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển khoản trước tiền đặt cọc sau đó mới giao hàng. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, ngày 12/3/2022 anh Đ.Đ.T (SN: 1983) ở An Cữu, Phước Hưng, Tuy Phước, Bình Định có đơn báo cáo công an về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 55.300.000đ. Theo đó, ngày 7/3/2022 dì ruột anh T là bà B.T.H (SN: 1983) ở Thượng Sơn, Tây Thuận, Tây Sơn, Bình Định nhờ anh T mua vật liệu xây nhà. Anh T lên mạng facebook tìm kiếm thấy có công ty sắt thép, anh T đã gọi điện hỏi mua sắt thép nhưng họ nói xa quá không bán. Khoảng 5 phút sau có số điện thoại lạ khác gọi cho anh T và giới thiệu là công ty thép Việt Nhật tại Sài Gòn có chi nhánh tại Quy Nhơn. Cả hai đã kết bạn zalo với nhau để liên lạc báo giá, người thanh niên lạ đã nhắn tin qua zalo báo giá là 79.073.000đ và cho số tài khoản để chuyển tiền đặt cọc 70% giá trị đơn hàng. Anh T điện thoại cho chị H nói chuyển tiền nên ngày 14/3/2022, chị H đã đến ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Tây Sơn chuyển vào số tài khoản của đối tượng trên với số tiền 53.000.000đ và hẹn ngày 18/3/2022 sẽ giao hàng, sau đó chị H liên lạc yêu cầu giao hàng nhưng số điện thoại không liên lạc được.
Thứ ba là thủ đoạn giả danh nhân viên tư vấn, nhân viên Bộ truyền thông, cán bộ công an lừa đảo. Điển hình ngày 03/6/2022, anh N.N.Đ (SN: 1981) ở Thuận Truyền, Bình Thuận, Tây Sơn, Bình Định bị số điện thoại lạ gọi đe dọa sẽ cắt liên lạc và yêu cầu anh Đ làm theo hướng dẫn trên điện thoại là bấm phím số 0 thì có người trả lời là anh Đ đã đăng ký 01 số thuê bao làm việc phạm pháp là mua thiết bị y tế nhưng không thanh toán tiền. Anh Đ nói không có và sẽ báo công an xã. Đối tượng đó tự xưng là nhân viên Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ giúp anh Đ gọi điện cho Bộ công an qua đường dây nóng để giải quyết nhanh. Anh Đ được đối tượng có tên Trần Thanh Tuấn tự xưng là công an yêu cầu trình bày sự việc và yêu cầu làm theo hướng dẫn của 01 đối tượng tên Cao Thị Lan. Trong lúc nói chuyện, Lan đã hỏi anh Đ vì sao để lộ thông tin cá nhân, anh Đ đã trình bày là có gửi tiết kiệm ngân hàng và bảo hiểm y tế. Đối tượng Lan đã yêu cầu anh Đ đến ngân hàng HD bank mở tài khoản, xong thì đến ngân hàng Agribank rút tiền và gửi vào tài khoản ngân hàng HD bank. Ngày 03/6/2022, anh Đ đã chuyển số tiền 323.000.000đ và cung cấp mã OTP cho đối tượng trên và sau đó không liên lạc được với đối tượng.
Thứ 4 là thủ đoạn lừa cho vay tiền: Các đối tượng gọi điện thoại quảng cáo thủ tục, đăng trên mạng xã hội quảng cáo dịch vụ vay online với thủ tục đơn giản, lãi xuất thấp. Khi người vay đồng ý, đối tượng lừa đảo thường hướng dẫn truy cập Web, tải ứng dụng điện thọai, cung cấp thông tin để tạo niềm tin. Sau đó yêu cầu người vay chuyển trước 01 khoản tiền vào tài khoản của đối tượng để xác thực thông tin và bảo hiểm khoản vay. Tiền sẽ được trả lại khi giải ngân. Sau lần chiếm đoạt đầu tiên, đối tượng đưa ra nhiều lý do để người vay nộp thêm tiền như: tài khoản người vay không đúng..., trót “phóng lao thì phải theo lao”, lo sợ mất số tiền đã nộp, người vay tiếp tục nộp tiền thêm và đối tượng đã chiếm đoạt. Cụ thể, ngày 16/3/2022 anh B.T.D (SN 1984) ở Thượng Giang 1, Tây Giang, Tây Sơn, Bình Định tố cáo đối tượng Trần Thị Thu Huyền (SN 1991) ở xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 279.700.000 đồng. Do có quan hệ quen biết và có kết bạn zalo với nhau, trong khoảng thời gian từ tháng 05/2021 đến tháng 01/2022, Huyền hỏi mượn tiền của anh D và nói dối là để mua hàng đồng thời yêu cầu anh D chuyển tiền nhiều lần, qua nhiều tài khoản khác nhau do Huyền cung cấp như khi đến mua hàng tại 01 tiệm điện thoại, yêu cầu chủ tiệm cho số tài khoản để chuyển tiền, sau đó Huyền dùng tài khoản của chủ tiệm đó cung cấp cho anh D để chuyển khoản. Hoặc Huyền thuê dịch vụ taxi đi công việc, sau đó xin số tài khoản của taxi nhờ chuyển khoản để trả tiền taxi, đồng thời nhờ rút tiền mặt còn dư đưa lại cho Huyền. Sau đó, anh D đòi tiền nhưng Huyền không trả. Huyền tiếp tục giới thiệu ngân hàng để anh D vay tiền với lãi suất thấp, sau đó có số điện thoại lạ gọi đến yêu cầu anh D phải nộp tiền nhiều lần vào nhiều tài khoản khác nhau để làm thủ tục giải ngân. Với phương thức trên trong khoảng thời gian từ 05/2021 đến tháng 01/2022, anh D đã chuyển tiền cho Huyền nhiều lần qua nhiều tài khoản khác nhau do Huyền cung cấp, chiếm đoạt số tiền 279.700.000 đồng.
Qua các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm hiện nay đang diễn ra ngày càng phức tạp, bọn chúng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác: Không vay tiền qua App, ứng dụng không rõ ràng nguồn gốc; Không được chuyển tiền vào tài khoản lạ; Khi xảy ra sự việc cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý đối tượng vi phạm; Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP qua các trang mạng cho bất kỳ ai; chỉ gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các cơ quan như Công an, Viện kiểm sát, tuyệt đối không làm việc qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội. Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website có đầy đủ thông tin như: tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng; nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng; tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể. Kịp thời phát hiện những vấn đề có dấu hiệu không bình thường, nghi vấn hoạt động phạm tội để thông báo đến cơ quan chức năng xử lý, giải quyết, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguyệt Ánh