Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, Tiến là thanh niên trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, có đủ sức khỏe để chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Năm 2021, Tiến đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đã nhận lệnh nhập ngũ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Sơn nhưng không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng, Tiến đã chấp hành nộp phạt vào ngày 09/3/2021. Năm 2022, Tiến tiếp tục trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đã nhận lệnh gọi nhập ngũ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Tây Sơn nhưng đến ngày 16/02/2022 (tức ngày nhập ngũ) Tiến vẫn tiếp tục có hành vi trốn tránh, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và bỏ trốn khỏi địa phương. Hành vi trên của bị cáo Tiến là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về thi hành Luật nghĩa vụ quân sự, gây ảnh hưởng xấu đến các thanh niên khác trong việc thi hành Luật nghĩa vụ quân sự ở địa phương, nên cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự.
Qua quá trình điều tra, truy tố và tại phiên Tòa, bị cáo Tiến đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Căn cứ nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 1, Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Ngọc Tiến 09 tháng tù giam.
Việc đưa vụ án trên ra xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật và răn đe cho các đối tượng khác đang có ý định trốn tránh nghĩa vụ quân sự, coi thường pháp luật và cũng là bài học cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức của mỗi công dân còn đang trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Văn Phong