Tiềm năng phát triển du lịch miền núi trên địa bàn huyện Tây Sơn

Thứ sáu - 09/08/2024 20:59 128 0
Thời gian gần đây, các xã có người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Tây Sơn không chỉ thu hút người dân địa phương đến thư giãn mà còn được nhiều du khách chọn làm điểm đến tham quan, dã ngoại. Đây cũng là một hướng đi mới trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện
Tây Sơn có 07 làng, có 516 hộ đồng bào DTTS với 1.829 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Bana, trong đó có 5 làng ở xã miền núi Vĩnh An, làng M6 (xã Bình Tân) và làng Cam (xã Tây Xuân). Với tiềm năng và lợi thế là có vẻ đẹp hùng vĩ của sông, suối, ghềnh thác, núi rừng hoang sơ, cùng với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào; giao thông được đầu tư nên đi lại khá thuận tiện; những yếu tố này có thể phục vụ tốt cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới của địa phương.
 
Khu du lịch Thác Đổ (xã Vĩnh An)
 
Cụ thể, ở mỗi làng đều có nhà văn hóa, nhà rông được xây dựng khang trang, có đội văn nghệ truyền thống trình diễn thuần thục các nghi lễ tại các Hội làng; các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, múa Xoan, kể Khan, hát Hơ moan vào những dịp lễ hội truyền thống. Về ẩm thực có rượu cần, cơm lam, rau rừng, ốc đá và các món nướng từ gà đồi, heo đen, chuột núi… Về trò chơi dân gian có bắn nỏ, bắn ná, đẩy gậy. Về làm nghề thủ công truyền thống có các hoạt động dệt thổ cẩm, đan xà dạt. Về sản vật tự nhiên có các sản phẩm như mật ong rừng, măng le, cà đắng, trái cây rừng các loại.
 
Tại mỗi làng đều có những hạt nhân nòng cốt còn nắm giữ và có tâm huyết truyền dạy văn hóa, dạy nghề thủ công truyền thống. Có thể kể tên một số người như ông Đinh Ngắt (làng Kon Giọt 2, xã Vĩnh An) có tài chỉnh âm cho chiêng, biểu diễn một lúc dàn chiêng 14 nhạc cụ và đam mê truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông Đinh Thưa ở làng Kon Giọt 1 với tài làm nỏ, ná và truyền dạy bắn nỏ, bắn ná cho đồng bào. Ông Đinh Sơn, Đinh Thành (làng Cam, xã Tây Xuân) là những người kể Khan, truyền dạy nghi lễ, nghi thức truyền thống trong các lễ hội. Bà Đinh Thị Nhe làng Kon Giọt 1 với nghề dệt thổ cẩm. v.v.
 
Du khách tham quan sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na
 
Về cảnh vật thiên nhiên, tại xã Vĩnh An có Thác Đổ trên dòng suối Nước Gộp trải dài dưới tán rừng nguyên sinh cùng với cầu treo Hà Nghe bắc qua suối. Làng Cam xã Tây Xuân có Đập Trân trên dòng Suối Cố, nằm gần các vườn cây ăn quả OCOP gần 10 ha xã Tây Xuân. Làng M6 xã Bình Tân có suối Đồng Đồn nằm đầu nguồn hồ chứa nước Hồ Thuận Ninh, gần di tích Chiến thắng Thuận Ninh, là căn cứ cách mạng của huyện trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây đều là điểm khám phá lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, núi rừng. Hiện nay, thác Đổ xã Vĩnh An, đập Trân làng Cam xã Tây Xuân, suối Đồng Đồn làng M6 xã Bình Tân là điểm khám phá của rất nhiều nhóm bạn trẻ đến từ mọi nơi trong huyện, trong tỉnh vào những dịp cuối tuần.
 
Tại những nơi này, có thể hình thành sản phẩm du lịch gồm các chuỗi hoạt động như chụp ảnh lưu niệm tại cầu treo Hà Nghe; leo núi, vượt suối ngắm thác; tham quan trải nghiệm các vườn cây ăn trái. Sau đó tham quan trải nghiệm, giao lưu tại các làng với các hoạt động dệt thổ cẩm; thi đấu bắn nỏ, bắn ná; giao lưu văn hóa cồng chiêng gắn với hoạt động lửa trại, múa Xoan; thưởng thức rượu cần cùng các món ẩm thực được chế biến theo cách truyền thống.v.v.
 
Chính vì vậy, hiện nay, huyện Tây Sơn đang tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trong đó có phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của đồng bào thiểu số, miền núi trên địa bàn của huyện.
 
Suối Nước Gộp (xã Vĩnh An)
 
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Sơn cho biết “Để từng bước hình thành, khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của huyện, trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch địa phương, huyện cũng đã chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, có thể đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã quy hoạch và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích 50 ha khu du lịch Thác Đổ Vĩnh An. Nơi đây có dòng thác cao 40 mét với cảnh quan rừng núi hoang sơ và dòng suối đá hoa cương muôn hình vạn trạng, nằm lân cận các làng có các hoạt động văn hóa truyền thống sôi nổi có thể cung ứng các hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào. Trước đó, tỉnh và huyện đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện tuyến đường từ Khu du lịch Hầm Hô đến Khu du lịch Thác Đổ dài trên 3,4 km, liên hoàn vào hệ thống giao thông kết nối các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn huyện"
 
                                                                    Minh Ngọc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây