Vừa qua, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ huyện Tây Sơn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) đối với Đảng ủy các xã Tây Thuận, Bình Tường, Tây Xuân,Tây An; Chi bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện; chi bộ phòng Tài chính - kế hoạch huyện và Chi bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện.
Kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 tại Đảng ủy xã Tây Thuận
Tại các buổi làm việc, Đoàn Kiểm tra của huyện nghe các đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm qua và 06 tháng đầu năm 2022 của địa phương, cơ quan, đơn vị mình; đồng thời đã tiến hành kiểm tra hồ sơ và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của Đảng ủy các xã và các chi bộ.
Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy các xã trong thời gian qua đã tổ chức quán triệt tốt năm nội dung quan điểm Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI), các nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, do vậy đã nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức quán triệt, triển khai Chỉ thị, Pháp lệnh, các nghị định, vận dụng sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở. Các chi bộ đã có đổi mới trong phương thức chỉ đạo, điều hành nên việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị thật sự phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức và người lao động, những nội dung cán bộ công chức được biết, được tham gia ý kiến, được giám sát, kiểm tra đã được thực hiện toàn diện và đầy đủ, qua đó tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức tiếp tục có nhiều chuyển biến, kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, nội bộ cơ quan đoàn kết, ý thức phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan tiếp tục tạo động lực và khơi dậy tiềm năng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra
Cũng tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra của huyện cũng đã trình bày kết quả thẩm định hồ sơ và các văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy các xã và các chi bộ, báo cáo ghi nhận những mặt tích cực mà các Đảng ủy đã đạt được, góp phần đáng kể trong công tác dân vận, an sinh xã hội ở địa phương; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay trong năm tiếp theo.
Kết thúc các buổi kiểm tra, Đoàn kiểm tra kết luận đánh giá cao kết quả mà Đảng ủy các xã và các chi bộ đã đạt được; đồng thời đề nghị Đảng ủy các xã và các chi bộ cần tập trung thực hiện một số nội dung công tác trọng tâm trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất: Thường xuyên quán triệt để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục tuyên truyền,vận động để nhân dân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ, đạt hiệu quả theo tinh thần Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI), Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, các quy định của ngành, văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Thứ hai: Gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, người lao động, trước hết là người đứng đầu. Nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt việc lắng nghe ý kiến của nhân dân và cán bộ trước khi đưa ra chủ trương, nhiệm vụ, trước khi phân loại cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cũng như trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; chính quyền cần tăng cường lãnh đạo công tác tiếp dân, trực tiếp đối thoại với công dân, công khai đầy đủ các hoạt động của mình với nhân dân.
Thứ ba: Tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phát hiện xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ, quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà người dân. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã và các thôn; chú trọng hơn nữa trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh phức tạp. Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và Ban Thanh tra nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát các hoạt động của địa phương.
Thứ tư: Nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên trong Ban Chỉ đạo xã; Chi bộ cùng thủ trưởng cơ quan và Công đoàn cơ sở tiếp tục rà soát, bổ sung nội quy, quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ, sự quản lý, điều hành của thủ trưởng cơ quan và vai trò giám sát của Công đoàn cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và định kỳ tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trung Tấn