Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, cuối năm 1946, thực dân Pháp quay lại quyết xâm lược đất nước ta một lần nữa. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945 (Ảnh: Tư liệu)
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng kiên cường, bất khuất của nhân dân ta, cùng với sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế, vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời, tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên hành trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước với cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn mình trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 29,5 lần, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại, cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD (năm 2021); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 (tính theo chuẩn mới). Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người/tháng (theo sức mua tương đương - PPP) đạt khoảng 11.040 USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 143 thế giới (năm 2021).
Cùng với những kết quả về phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã nâng cao vị thế của Việt Nam: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ôn lại truyền thống vẻ vang, hun đúc khát vọng cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam về một nền độc lập tự do cho Tổ quốc, một nền hòa bình bền vững cho đất nước. Từ đó, quyết tâm xây dựng đất nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với công lao, xương máu của đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Ban Biên tập