Cách mạng Tháng Mười - Bài học đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế

Thứ sáu - 28/10/2022 04:40 1.133 0
Cách mạng Tháng Mười Nga, cả những thành công và hạn chế của nó, đã để lại nhiều bài học quý giá, khơi dậy bao nhiêu cảm xúc và trăn trở trong lương tri của nhân loại. Con đường đi lên CNXH do Cách mạng Tháng Mười Nga khai mở vẫn là giải pháp đúng đắn và cần thiết cho cho nhân loại yêu chuộng hòa bình nói chung và Việt Nam nói riêng.
 
Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại
 
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA - TRANG SỬ MỚI CỦA NƯỚC NGA
Cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917) mở ra trang sử mới đối với nước Nga và tiến trình phát triển của nhân loại - cuộc cách mạng mang sứ mệnh khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực. Cách mạng tháng Mười đã đi vào lịch sử với tính chất đột phá mở đường và dẫn đường, là một thành tựu lớn trong tiến trình của lịch sử nhân loại với lý tưởng vô cùng cao đẹp là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội (CNXH).
 
Là cuộc cách mạng đánh dấu bước chuyển biến về chất của CNXH khoa học: từ lý luận đã trở thành hiện thực sinh động. V.I.Lênin từng nhận định, Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu cho “một thời đại mới trong lịch sử loài người”, “một sự nghiệp mới mẻ sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”. Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất... Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1).
 
Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (tổ chức ngày 5/11/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cách mạng tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới, phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành hiện thực trên một phần sáu địa cầu. Lần đầu tiên rong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Một nhà nước kiểu mới dưới hình thức các xô viết đã hình thành và được V.I.Lênin đánh giá là chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân”.
 
Cách mạng tháng Mười Nga làm nổ tung mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa (TBCN), mở ra kỷ nguyên mới cho loài người, các quốc gia cùng đứng lên giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Cách mạng tháng Mười đã dẫn dắt các dân tộc đứng lên giành độc lập và đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến
 
Đến nay, dấu ấn tròn 105 năm trôi qua vẫn không làm phai nhạt sức sống trường tồn, giá trị khai mở và tinh thần khai sáng cho nhân loại.
 
Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười đã đưa nước Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH.
 
Cách mạng Tháng Mười đã xóa bỏ chế độ Nga hoàng và giai cấp tư sản, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản, xóa bỏ áp bức giai cấp, áp bức dân tộc… đưa nhân dân lao động Nga lên làm chủ đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, khát vọng ngàn đời của nhân loại cần lao mong muốn thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, bất công; có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc đã trở thành hiện thực sinh động của hàng trăm triệu con người, nhiều dân tộc ngưỡng vọng, phấn đấu noi theo.
Như vậy, Cách mạng Tháng Mười đã biến CNXH khoa học từ lý luận trở thành hiện thực; CNXH đã phủ định CNTB. Từ đây, chiều hướng phát triển chủ yếu, trục xuyên suốt của sự vận động lịch sử là đấu tranh xóa bỏ trật tự TBCN, thiết lập và từng bước xây dựng CNXH trên phạm vi thế giới. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), phong trào cộng sản và công nhân quốc tế dần trở thành lực lượng nòng cốt của các phong trào cách mạng. Phong trào giải phóng dân tộc đã có xu hướng đi theo con đường XHCN.
 
Thứ hai, nước Nga Xôviết, tiếp sau là Liên Xô - thành quả của Cách mạng Tháng Mười, đã sáng tạo nên những giá trị Xôviết vĩ đại để nhân loại tiến bộ noi theo.
 
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xôviết đã ban hành những sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh hòa bình, Sắc lệnh về ruộng đất, đồng thời ban hành hàng loạt chính sách tiến bộ như: ngày làm 8 giờ, giáo dục không mất tiền, bình đẳng nam nữ, tự do tín ngưỡng, tách nhà thờ khỏi nhà trường… Và, trong 74 năm (1917-1991) xây dựng và phát triển, Liên Xô đã vươn lên trở thành một cường quốc có vị thế lớn trên trường quốc tế. Từ một nước Nga lạc hậu, Liên Xô đã trở thành một cường quốc công nghiệp hàng đầu; kinh tế tăng trưởng hàng năm với tốc độ bình quân vài chục phần trăm. Các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có sự phát triển vượt bậc, trở thành một dân tộc có nền văn hoá cao, phổ cập giáo dục rộng rãi nhất. Liên Xô đi tiên phong trong nhiều ngành khoa học như: vũ trụ, hạt nhân, sinh học.... Liên Xô đã giải phóng hàng trăm dân tộc thiểu số ra khỏi Nước Nga Sa hoàng, đem đến cho họ cuộc sống mới, tốt đẹp hơn; tăng cường sự đoàn kết, hữu nghị, giao lưu hòa hợp và xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh và nhiều giá trị khác như: Quyền nhà ở, quyền được học hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo… Đó chính là những giá trị xã hội XHCN ưu việt do Liên Xô tạo nên. Những giá trị này, đã buộc CNTB phải tự điều chỉnh, tự tô vẽ lại bộ mặt của mình theo hướng nhân văn hơn, tiến bộ hơn.
 
Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “việc tổ chức ra các Xôviết này mở đầu cho một cái gì lớn lao, mới mẻ, từ trước tới lúc bấy giờ chưa hề có trong lịch sử cách mạng thế giới. Các Xôviết do nhân dân hoàn toàn tự động sáng tạo ra là hình thức của nền dân chủ chưa từng có trong một nước nào cả”(2). “Các Xôviết là một hình thức dân chủ cao hơn nhiều, hoàn hảo hơn nhiều, hợp lí hơn nhiều so với Quốc hội lập hiến, vì các Xôviết đại biểu cho nền dân chủ của những người lao động”(3).
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong Lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, ngày 7/11/1918. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
 
Thứ ba, Liên Xô đã trở thành trụ cột để giúp đỡ to lớn phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc.
 
CNXH hiện thực đứng đầu là Liên Xô đã từng là lực lượng lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự to lớn, đủ sức răn đe, ngăn chặn sự hiếu chiến, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của Liên Xô, phong trào giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc phát triển như vũ bão; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới lớn mạnh không ngừng. Liên Xô đã thực sự là thành trì của hoà bình, an ninh quốc tế, góp phần chủ yếu cứu loài người khỏi thảm hoạ phát xít. Nhờ đó, CNXH từ sau chiến tranh thế giới II (1939-1945) đã trở thành một hệ thống thế giới mang tính đối trọng với CNTB đế quốc và là một con đường phát triển, một hình mẫu của tổ chức xã hội mang lại tự do, công bằng và hạnh phúc cho đa số nhân dân. Sự lựa chọn con đường XHCN đã trở thành một xu thế lớn (thời kỳ này đã có 26 nước định hướng đi theo con đường XHCN). CNXH hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới trong thế kỷ XX, làm thay đổi sâu sắc cục diện thế giới. Nếu không có Cách mạng Tháng Mười, không có sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN, thì những biến đổi tiến bộ trên thế giới ắt đã bị chậm lại.
 
BÀI HỌC ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ
 
Cách mạng Tháng Mười, cả những thành công và hạn chế của nó, đã để lại nhiều bài học quý giá, đã khơi dậy bao nhiêu cảm xúc và trăn trở trong lương tri của nhân loại. Nhưng, con đường đi lên CNXH do Cách mạng Tháng Mười Nga khai mở vẫn là giải pháp đúng đắn duy nhất và cần thiết cho cho nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cách mạng Tháng Mười Nga - chân dung lớn của thế kỷ XX, vẫn tỏa sáng, có sức lôi cuốn kỳ lạ bởi những giá trị không đổi.
 
Bài học về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Cách mạng Tháng Mười Nga đã sáng tạo ra một nhà nước Nga Xôviết sau đó là nhà nước Liên Xô, đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động, trong 74 năm đã phát huy cao độ sức sáng tạo và đáp ứng lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động - điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Về tổng thể, bộ máy nhà nước đó có kết cấu hợp lí, đảm bảo quyền thực sự của nhân dân, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, giữa các cấp từ trung ương đến địa phương, thực hiện tốt các chức năng cơ bản trong tổ chức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nhất là giai đoạn 1970-1980, bộ máy đó bị biến dạng: tổ chức cồng kềnh, quan liêu, trì trệ, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả… là một trong những lí do dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô.
 
Bài học đồng thời giải quyết tốt hai nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giai cấp; chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa vô sản quốc tế cao cả. Cách mạng Tháng Mười Nga đã biết chớp thời cơ “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”, phát huy chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa vô sản quốc tế cao cả, thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế vô sản. Liên Xô thực sự trở thành căn cứ địa, thành trì cách mạng thế giới. Các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô và các nước XHCN. Tuy nhiên, vào giai đoạn 1970-1980, cơ chế quan hệ, hợp tác và tính hiệu quả trong tương trợ, giúp đỡ giữa các nước XHCN chưa tốt đã phần nào hạn chế đến sức mạnh của mỗi nước, cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
 
Bài học về tính tất yếu phải liên minh giai cấp công nhân - nông dân. Cách mạng Tháng Mười đã xây dựng được khối liên minh công - nông, nhất là liên minh với những người nông dân mặc áo lính, nhờ đó vừa làm phân hoá, tan rã kẻ thù, vừa tăng cường được lực lượng cách mạng để làm nên một cuộc cách mạng “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Trong suốt quá trình xây dựng CNXH, khối liên minh công - nông - trí đã không ngừng được củng cố, tăng cường, góp phần làm nên sức mạnh Xôviết. 
 
Bài học về sử dụng bạo lực kiên quyết, triệt để, mau lẹ để giành và giữ chính quyền. Trong Cách mạng Tháng Mười, khi kẻ thù đã sử dụng bạo lực để đàn áp cách mạng, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã chỉ đạo sử dụng bạo lực, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Quyết định mau lẹ, quyết đoán, sáng tạo, kịp thời, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Trong 74 năm tồn tại, Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô luôn chú trọng xây dựng quân đội và hải quân hùng mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vào giai đoạn 1970-1980, trong cải tổ vấn đề này chưa được quan tâm và giải quyết đúng đắn, nên đã phải trả giá đắt.
 
Bài học về đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng chống cộng, cơ hội, xét lại. Trong suốt quá trình đấu tranh giành chính quyền, xây dựng, phát triển đất nước, V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Liên Xô đã đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu tư tưởng chống cộng của các đế quốc; tư tưởng cơ hội xét lại trong các phái: Mensevích, Khơrútsốp… Tuy nhiên, trong giai đoạn cải tổ, các tư tưởng chống cộng điên cuồng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc; tư tưởng cơ hội, xét lại của một số người đứng đầu không được nhận diện kịp thời và đấu tranh kiên quyết nên đã làm phân liệt, tan rã Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết.
 
Bài học về tính tất yếu phải có chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Đảng Bônsêvích Nga lãnh đạo là một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, của chiến tranh Vệ quốc và xây dựng phát triển đất nước. Đảng đã nắm vững tình thế, thời cơ cách mạng; xác định rõ mục tiêu, lực lượng, phương pháp cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, chiến đấu bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi bộ mặt hành tinh, buộc chủ nghĩa đế quốc phải điều chỉnh, thích ứng. Tuy nhiên, vào những năm 1970-1980, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, vì không tuân thủ đúng học thuyết xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin khiến dẫn đến vi phạm dân chủ, quan liêu, bao biện làm thay nhà nước, tham nhũng; cải tổ không đúng nguyên tắc, xa rời, từ bỏ hệ tư tưởng của Đảng... và đã phải trả giá đắt, đó là sự sụp đổ mô hình XHCN.
 
Với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng to lớn. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với Cách mạng Tháng Mười. Người đã xác định rõ cách mạng Việt Nam phải đi theo Cách mạng Tháng Mười, bởi: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”(4). Từ đây, Người xác định rõ con đường, lực lượng, phương pháp cách mạng Việt Nam: đánh đổ thực dân phong kiến, tư sản phản động, giành độc lập dân tộc, đi lên CNXH. Lực lượng cơ bản của cách mạng là công nông: “Công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ… là bầu bạn của cách mệnh”(5); sử dụng phương pháp bạo lực của quần chúng nhân dân: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”(6); cách mạng Việt Nam cũng là một bộ phận và quan hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới, để chống lại tư sản và đế quốc. Tuy vậy, chúng ta không được trông chờ, ỷ lại mà phải phát huy sức mạnh dân tộc, “lấy sức ta giải phóng cho ta”.
 
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
 
Để cách mạng Việt Nam thắng lợi nhất thiết phải phải xây dựng được một Đảng kiên trung, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nòng cốt: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(7). “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(8). Từ đó Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, Liên Xô đã ủng hộ to lớn, toàn diện công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng CNXH của nhân dân ta. Nếu không có sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa đó, cách mạng Việt Nam ắt sẽ gặp không ít khó khăn, và khó có được thành tựu như hiện nay. Chúng ta biết ơn sự ủng hộ giúp đỡ vô cùng trong sáng, vô tư, to lớn, quý báu đó.
 
Dù còn có quanh co, phức tạp, thụt lùi tạm thời, nhưng loài người tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhân loại tiến bộ luôn ghi nhận, biết ơn Cách mạng Tháng Mười Nga - một sự kiện vĩ đại có ý nghĩa đột phá, mở đường để nhân loại tiến vào một chế độ xã hội mới - xã hội XHCN tiến bộ, nhân văn, tất cả vì con người, sự phát triển toàn diện của con người. Lý tưởng và giá trị tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn cỗ vũ, dẫn đường cho chúng ta đi đến tương lai, xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo
_____________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, tr.387.
(2) (3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.35, tr.284, 361.
(4) (5) (6) (7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.304, 288, 297, 289, 304.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây