Nhận diện, cảnh giác với các chiêu trò “nhân danh nhân dân” của bọn phản động, chống phá

Thứ ba - 07/06/2022 22:54 1.197 0
          Trong thời gian gần đây, có một số trang cá nhân facebook (là đối tượng phản động, chống phá đã từng sinh sống trên địa bàn huyện ta) đăng tải và chia sẻ nhiều clip nói xấu Đảng, Nhà nước, nói sai sự thật bản chất sự việc ở chính quyền địa phương. Với thủ đoạn lợi dụng cái gọi là “nhân danh nhân dân”, “đại diện cho người dân”, chúng xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu nhằm làm cho người dân hiểu sai bản chất của các sự việc, từ đó chúng sẽ kích động người dân tụ tập, biểu tình, chống phá chính quyền.
           Cách thức phổ biến được đối tượng phản động, chống phá thực hiện là đánh đồng hiện tượng của một hoặc một nhóm người với toàn thể nhân dân. Từ sự việc của một người dân, chúng tô vẽ, thổi phồng để tìm sự đồng cảm của nhóm người, sau đó cộng hưởng với quá trình “tam sao, thất bản” trên internet, mạng xã hội, sự việc ấy sẽ bị đẩy lên mang tính toàn thể, tạo cớ để các đối tượng “mượn gió bẻ măng”, tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền. Bên cạnh đó, chúng lợi dụng một số người dân có khiếu kiện với chính quyền để tạo ra “dân oan”. Không cần biết việc khiếu kiện đúng hay sai, một mặt, chúng tiếp cận, kích động để người dân thấy oan ức, tiếp tục các hoạt động khiếu kiện, gây mất an ninh, trật tự xã hội,… mặt khác, chúng sử dụng mạng xã hội facebook, youtube, zalo để xuyên tạc, quy chụp chính quyền không vì lợi ích của người dân. Chúng đi từng ngõ ngách, lân la, dò hỏi, góp nhặt thông tin, hình ảnh một số người dân có những tranh chấp dân sự chưa được giải quyết thấu đáo, có hoàn cảnh khó khăn,… để xây dựng nên hình mẫu một người “dân oan” với những ngôn từ khổ sở, thê thảm, rồi kích động, xúi giục mọi người đấu tranh đòi quyền lợi cá nhân. Khi người dân sập bẫy thì những bài viết, video clip xuyên tạc, bóp méo sự thật được xuất hiện và nhanh chóng chia sẻ trên một số trang mạng của các tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí. Chúng luôn tìm mọi cách vu khống, ra sức đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, cho rằng “họ là nạn nhân” của sự “độc tài, độc quyền”, tham nhũng,… của chế độ ta.
          Không dừng lại ở đó, đối tượng chống phá còn thêu dệt nên hình ảnh của đảng độc tài, xã hội mất dân chủ, chính quyền yếu kém, quan tham,… , chúng còn tìm mọi cách khai thác, nhào nặn, thêm thắt, thổi phồng những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đặc biệt, lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, đưa ra xét xử do liên quan đến những vụ án tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng chống phá suy diễn, quy chụp, cho đó là tình trạng phổ biến, hệ quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, là “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo,… gây hoài nghi và làm giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Như lẽ tất yếu, cái đích mà chúng luôn ngắm tới của những nỗ lực công kích ấy là chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc,… tiến tới đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng để đấu tranh hiệu quả.
          Không khó để tìm các bài viết, video clip mang nội dung kêu gọi hãy “cứu dân”, bảo vệ “dân oan”, “thương cho người Việt phải chịu đựng cái đảng cầm quyền bất lực, tham lam, tàn ác đến bao giờ”,… mà các thế lực thù địch đăng tải trên các trang mạng xã hội. Thoạt nghe, người ta dễ lầm tưởng họ đang “thương cho dân, lo cho nước”, song thực chất là họ cố tình che đậy bản chất phản động đằng sau những luận điệu xuyên tạc, lừa bịp, mị dân; làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Chúng đóng vai “một người lạ” rồi tìm đến những người có hoàn cảnh khó khăn; chúng giả nhân, giả nghĩa, vờ đồng cảm với người nghèo, lao động thất nghiệp; chúng tự cho mình “đại diện” để nói lên tiếng nói cho họ, dựng lên bức tranh bi thảm về một xã hội bất công rồi kích động người dân đấu tranh với chính quyền để đòi công bằng. Mọi ngôn từ mĩ miều “thương cho dân”, đồng cảm với “nỗi khổ” của người dân cuối cùng đều dẫn đến mục đích chính trị của chúng là chống phá Đảng, Nhà nước. Bản chất xấu xa của những kẻ “đại diện cho người dân” đã bộc lộ hoàn toàn khi đưa ra những lời hô hào, xúi giục, kích động nhân dân “đoàn kết”, đấu tranh đòi “cái bánh vẽ” tự do, dân chủ, nhân quyền,... để phá hoại sự bình yên của cuộc sống, chống phá công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước ta.
          Dù có cố tình xuyên tạc thế nào, thì các thế lực chống phá cũng không thể che lấp sự thật là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền nhà nước các cấp thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; mối quan hệ giữa chính quyền nhà nước và nhân dân vẫn luôn bền chặt, gắn bó. Mọi hoạt động của chính quyền đều hướng tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gần đây, với những nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số,... đã góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân với chính quyền các cấp, chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, cán bộ, công chức gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc của nhân dân. Từ đó, nhân dân ngày càng phát huy dân chủ, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động, phong trào, cuộc vận động của các cấp chính quyền phát động hiệu quả hơn.
          Và cũng phải khẳng định rằng, những kẻ ảo tưởng ngông cuồng về quyền lực, sống lưu vong, tị nạn chính trị theo đuôi các tổ chức phản động ở nước ngoài không có đủ tư cách để đại diện cho quyền lợi của người dân Việt Nam trong nước và người Việt yêu nước ở nước ngoài. Bọn chúng vẫn mãi là kẻ phản động, chống phá nên các thủ đoạn, chiêu trò nhằm gài bẫy người dân sẽ ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Do vậy, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, tránh trở thành người tiếp tay cho tội phạm, là “con rối” bị các đối tượng chống đối lợi dụng, đưa vào vòng lao lý.
                                                                                       Y.C
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây