Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng được hình thành và nhanh chóng đi vào hoạt động, trực tiếp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Đặc biệt, ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi phát hành, Tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. Ngày 1/8/1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam.
Từ ngày 14/10/1930 đến ngày 31/10/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời lần thứ nhất được tiến hành tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tại hội nghị này, Bộ Tổ chức kiêm Giao thông - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương Đảng được hình thành; đây chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 14/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng, là một bộ phận chủ yếu hợp thành và có tính chất quyết định thắng lợi trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Các thế hệ làm công tác tổ chức của Đảng đã được Đảng trực tiếp lãnh đạo, dìu dắt, đào tạo và xây dựng, trang bị về mục tiêu lý tưởng, về nhân sinh quan của người cộng sản. Điều đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt giúp cho những người làm công tác tổ chức dù ở hoàn cảnh khó khăn nào cũng vượt qua, luôn đứng vững trên vị trí của mình, phấn đấu làm tròn trách nhiệm là cơ quan tham mưu góp phần giúp cấp ủy các cấp xây dựng Đảng vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Vì vậy, trong suốt chặng đường lịch sử ấy, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã thu được nhiều thành tựu quan trọng góp phần tích cực vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ 310 đảng viên khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh với hàng triệu đảng viên, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử, giành độc lập tự do cho Tổ quốc; thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực ngoại xâm, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; góp phần quan trọng vào những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã thông qua Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, Cộng sản thanh niên vận động, quân đội vận động và Hội phản đế đồng minh. Từ đây, hệ thống ban chuyên môn về các giới vận động ra đời, đáp ứng yêu cầu tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng, giáo dục, vận động quần chúng, coi đây là một nhân tố góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng nước nhà. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Từ những sự kiện đó, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10/1930 làm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác dân vận nhằm đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động quần chúng thành lực lượng đông đảo, tham gia các phong trào cách mạng. Đến nay, hệ thống dân vận trong cả nước đã từng bước được kiện toàn đồng bộ, tăng cường cả về số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới.
Cũng tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập các bộ phận chuyên môn giúp việc Trung ương Đảng - Tiền thân của Văn phòng cấp ủy sau này. Suốt nửa tháng diễn ra hội nghị, mọi công việc của hội nghị đều được bộ phận giúp việc chuẩn bị chu đáo, được bảo vệ an toàn và bảo mật. Hội nghị đã thành công tốt đẹp về mọi mặt, hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Đảng những năm tiếp theo. Đây chính là dấu mốc, là những trang sử đầu tiên viết về hoạt động Văn phòng của Trung ương Đảng. Tháng 5/1947, Văn phòng Trung ương Đảng chính thức được thành lập tại xã Quảng Nạp, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Năm 1948, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục được củng cố và tăng cường tổ chức, bộ máy, cán bộ, đi sâu hơn vào chuyên môn nghiệp vụ và hướng dẫn thực hiện đến các địa phương trong cả nước. Văn phòng Trung ương Đảng đã không ngừng trưởng thành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ghi nhận những thành tích đó, ngày 29/01/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo quyết định lấy ngày 18/10/1930 là ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là Ngày truyền thống của Văn phòng cấp ủy Đảng.
Từ ngày thành lập Đảng (03/02/1930) đến năm 1948, công tác Kiểm tra của Đảng được trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra của Đảng nhưng chưa phân công cán bộ theo dõi và thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách, nhiệm vụ này do các cấp ủy và các tổ chức Đảng thực hiện. Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ban hành Quyết Nghị số 29-NQ/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, sau đó là Ban Kiểm tra của cấp ủy (nay là UBKT) được thành lập từ trung ương đến cơ sở. Phát huy truyền thống của ngành, Ủy ban Kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên định lập trường, quan điểm của Đảng; không ngừng rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Điều đáng tự hào là trong mọi thời kỳ của cách mạng, dù trong thời kỳ chiến tranh giải phóng đất nước hay thời kỳ xây dựng đất nước và kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ cán bộ kiểm tra vẫn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, tin tưởng ở sự lãnh đạo và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; có ý thức tổ chức kỷ luật và lối sống liêm khiết, trong sạch, lành mạnh; luôn hết lòng hết sức chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta có thể khẳng định: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật là truyền thống tốt đẹp của cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp”.
Dù ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau, với những giai đoạn và mốc son lịch sử riêng biệt; song tựu chung lại, quá trình hình thành và phát triển các bộ phận tham mưu, giúp việc của Đảng hoàn toàn là một khối vận động thống nhất, không thể tách rời, gắn liền với quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Trải qua quá trình hình thành, xây dựng và trưởng thành, công tác tổ chức, dân vận, kiểm tra, giám sát của Đảng và văn phòng cấp ủy không ngừng được củng cố và phát triển, hệ thống các ban Đảng và đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng từ trung ương đến địa phương ngày càng trưởng thành, đúc kết được những bài học quý báu từ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng, góp phần to lớn vào những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống các ban Đảng, Văn phòng cấp ủy và 74 năm ngày thành lập ngành Kiểm tra của Đảng, là dịp để mỗi cán bộ, công chức đang công tác trong các ngành xây dựng Đảng tự hào và tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử quý báu trong thời gian qua, củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, công chức các ban xây dựng Đảng, Văn phòng cấp ủy ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác; kiên quyết đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tạo khí thế mới, quyết tâm mới, ra sức thi đua, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đức Tấn